Quan tâm xử lý nước thải từ sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản

06/12/2024 13:07

Thời gian qua, các ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện tốt việc xử lý nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tỉnh ta hiện có 1 Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi)  với quy mô diện tích 16.000 ha; 3 khu công nghiệp (KCN Đăk Tô quy mô 146,76ha; KCN Sao Mai quy mô 150ha và KCN Hòa Bình, thành phố Kon Tum có quy mô 60ha) và 14 cụm công nghiệp (CCN) được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích là 472,675ha, trong đó có 8 CCN đã hoạt động với tổng diện tích là 275,075ha, 6 CCN đã thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động.

Trong đó, KCN Hòa Bình đã đi vào hoạt động từ lâu, được đầu tư hoàn chỉnh các công trình bảo vệ môi trường gồm: hệ thống thu gom, thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 500m3/ngày đêm, đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát. KCN Sao Mai được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 500m3/ngày đêm; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, đủ điều kiện để sẵn sàng đấu nối nước thải từ các cơ sở sản xuất để xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi xả ra môi trường. CCN Đăk La đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung (công suất 500m3/ngày đêm, hoạt động không thường xuyên). Các CCN còn lại chưa được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng gắn với các công trình bảo vệ môi trường nên nước thải phát sinh tại các cơ sở này chưa được giải quyết triệt để.

Bên cạnh các KCN-CCN, các cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nằm ngoài KCN- CCN cũng là một trong những nguồn phát sinh nước thải công nghiệp với nhiều loại hình sản xuất như chế biến tinh bột sắn, mủ cao su, sản xuất mía đường, các trang trại chăn nuôi heo.

 
Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Tây Nguyên. Ảnh: Q.Đ

 

Nhìn chung, tổng lượng nước thải phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua rất lớn. Đặc biệt, có nhiều dự án có lưu lượng xả thải cao như Nhà máy Đường Kon Tum có lưu lượng xả thải trung bình 1.000m3/ngày đêm; nhà máy chế biến tinh bột sắn có lưu lượng xả thải trung bình từ 500-1.000/ngày đêm; nhà máy chế biến mủ cao su có lưu lượng xả thải trung bình từ 200-500 m3/ngày đêm.

 Đặc trưng của nước thải công nghiệp thường chứa nhiều các chất hữu cơ, dầu mỡ. Hiện nay, nước thải của các dự án sau khi tự xử lý theo quy chuẩn bắt buộc thì xả trực tiếp ra nguồn tiếp nhận là sông, suối, ao, hồ.

Qua kết quả quan trắc, phân tích môi trường nước thải các KCN-CCN và các cơ sở sản xuất CN-TTCN nằm ngoài KCN-CCN của ngành chức năng cho thấy, chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý của các nhà máy chế biến mủ cao su đạt cột A của QCVN 01-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên).

Đối với nước thải các nhà máy chế biến tinh bột sắn, hầu hết các mẫu nước thải có kết quả phân tích đạt cột A của QCVN 63:2017/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến tinh bột sắn), ngoại trừ thông số Coliform của các nhà máy còn vượt so với quy định (gồm: Nhà máy cồn và tinh bột sắn Đăk Tô), Công ty TNHH tinh bột sắn Kon Tum, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Fococev Tây Nguyên, Nhà máy chế biến sản phẩm tinh bột từ nông sản - Công ty TNHH Phương Hoa). Ngoài ra, hầu hết các thông số nước thải công nghiệp từ các nhà máy còn lại đều cho kết quả phân tích mẫu đạt cột A QCVN 40:2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp).

Về hoạt động khai thác khoáng sản, toàn tỉnh hiện có 79 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 48/79 giấy phép thuộc loại hình khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông. Ngoài lợi ích kinh tế mang lại từ các dự án thì hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông không đúng theo phương án thiết kế đã và đang có một số tác động xấu đến môi trường xung quanh như: tác động đến cảnh quan và hình thái sông, suối, làm thay đổi dòng chảy, tích tụ và phát tán chất thải, gây xói lở, sụt lún đất bờ sông làm ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước.

Hiện nay, công nghệ khai thác khoáng sản cát, sạn, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh tương đối đơn giản; khai thác bằng việc bơm, hút cát lên bè rồi đưa về bãi tập kết hoặc bốc xúc trực tiếp bằng các loại gàu xúc tại chỗ; khả năng lắng cặn bùn nhanh nên tác động đến chất lượng nước sông, suối chỉ mang tính cục bộ tại một số đoạn sông, suối ngắn phát sinh trong quá trình khai thác. Tuy nhiên, việc hình thành nhiều điểm mỏ trên cùng một đoạn sông, suối cũng làm cản trở dòng chảy, hình thành các hồ nước lớn do việc khai thác vượt quá độ sâu cho phép gây nên hiện tượng thiếu nước ở các vùng hạ lưu vào mùa khô.

Ông Trương Đạt- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường nước mặt theo mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30/9/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quang Định

Chuyên mục khác