Quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường

21/04/2024 13:10

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Trương Đạt- Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật do HĐND và UBND tỉnh giao, từ năm 2023 đến nay, Sở TN&MT triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung công việc liên quan đến lĩnh vực BVMT. Trong đó, về xây dựng hệ thống quan trắc, kiểm soát chất lượng nguồn nước, năm 2023 Sở TN&MT tổ chức 2 đợt quan trắc môi trường đất, 3 đợt quan trắc môi trường nước dưới đất, 5 đợt quan trắc môi trường nước mặt, 5 đợt quan trắc môi trường không khí. Trong đó, có 20 điểm quan trắc môi trường không khí, 20 điểm quan trắc môi trường nước mặt, 13 điểm quan trắc môi trường nước ngầm, 8 điểm quan trắc môi trường đất trải đều trên địa bàn 10 huyện, thành phố của tỉnh.

Đặc biệt, Sở TN&MT luôn quan tâm chú trọng và yêu cầu triển khai hệ thống quan trắc nước thải công nghiệp tự động liên tục từ các khu công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất nhằm bảo đảm công tác giám sát việc thực hiện bảo đảm an toàn về môi trường trong sản xuất công nghiệp.

Lắp đặt hệ thống quan trắc để theo dõi và xử lý ô nhiễm môi trường. Ảnh: Q.Đ

 

Hiện nay, có 19 cơ sở, dự án đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền dữ liệu về Sở TN&MT thông qua hệ thống tiếp nhận dữ liệu quan trắc nước thải công nghiệp tự động liên tục trên địa bàn tỉnh. Công tác theo dõi dữ liệu này được ngành thực hiện thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra. 

Công tác quản lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đất cũng được ngành TN&MT quan tâm thực hiện. Việc quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh được thực hiện qua các mô hình áp dụng sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên cây lúa, cà phê, nấm, rau củ quả, cây ăn quả với diện tích khoảng hơn 800 ha. Qua đó, lượng phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học sử dụng trên đồng ruộng đã giảm. Các phụ phẩm từ trồng trọt được người dân tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý, Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai thực hiện tốt giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, triển khai Phương án quản lý rừng bền vững (có 7.344 ha rừng trồng bền vững và được cấp chứng chỉ FSC) được Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, hạn chế đến mức thấp nhất việc lợi dụng thi công các công trình để vi phạm làm ảnh hưởng đến môi trường đất.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất kinh doanh, chăn nuôi cũng đã thực hiện các giải pháp xử lý chất thải rắn, nước thải phát sinh, tuần hoàn tái sử dụng đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường đất.

Sở TN&MT cũng thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý, cải thiện chất lượng không khí. Sở đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp để kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý ô nhiễm; hướng dẫn kiểm tra thực hiện các biện pháp hạn chế phát sinh khí thải trong các hoạt động như giao thông, xây dựng, đốt chất thải y tế, sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp…

Kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn. Ảnh: QĐ

 

Trong năm 2024, Sở TN&MT tập trung triển khai Luật BVMT năm 2020 nhằm đưa nhanh các chính sách mới của Luật đi vào cuộc sống, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội trong nhận thức và hành động về công tác BVMT. Đồng thời, chú trọng việc triển khai các nội dung trọng tâm, ưu tiên, cấp bách để việc thực hiện hiệu quả, tập trung vào công tác quản lý chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp. Tăng cường triển khai đồng bộ các công cụ quản lý môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ dựa trên việc phân loại theo tiêu chí về môi trường.

Bên cạnh đó, ngành TN&MT tăng cường phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật; trong đó tập trung vào các quy định mới; đẩy mạnh thực hiện các chương trình truyền thông về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế ít chất thải, các bon thấp, kinh tế tuần hoàn theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền, đặc biệt là đồng bào DTTS; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT cũng được ngành TN&MT tỉnh đẩy mạnh. Theo đó, tăng cường theo dõi, giám sát các cơ sở có nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường; tổ chức kiểm tra, giám sát các khu xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung tại các đô thị; thực hiện nhiệm vụ quan trắc các thành phần môi trường nhằm cảnh báo cho người dân chất lượng môi trường sống và đề xuất các biện pháp khắc phục phù hợp.

Đồng thời, phát huy tốt vai trò, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư trong công tác BVMT; phát hiện, nêu gương, tạo được phong trào, nhân rộng các điển hình, mô hình, cách làm hay, tốt về BVMT; thúc đẩy các nhân tố tích cực, điểm sáng, điển hình trong công tác BVMT nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, giảm dần, thu hẹp các địa bàn, loại hình, đối tượng gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường.       

Quang Định 

Chuyên mục khác