Quản lý thị trường nông thôn: Còn nhiều lỏng lẻo

29/09/2016 09:12

Nhiều mặt hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng vẫn bày bán tràn lan cũng như tình trạng tư thương “làm mưa, làm gió” đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tình trạng người dân mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng khá phổ biến...

Trước sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn tỉnh nói chung và các vùng nông thôn nói riêng ngày càng tăng cao, thị trường ở các khu vực này cũng trở nên sôi động hơn.

Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra khá phổ biến; trong khi đó, việc quản lý thị trường lại còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả.

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, với đặc thù của tỉnh miền núi, địa bàn rộng, khoảng cách giữa các huyện và từ xã đến trung tâm huyện xa, dân cư rải rác, đường giao thông không thuận tiện; đời sống nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; người dân còn hạn chế về nhận biết đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường và các qui định của pháp luật trong kinh doanh thương mại và nhất là vẫn có tâm lý thích mua hàng giá rẻ, vì thế đây chính là điều kiện thuận lợi để các loại hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng dễ dàng thâm nhập thị trường nông thôn và thị trường này dường như đang là “túi” chứa, tiêu thụ các loại hàng hóa này. 

Các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn thường bày bán nhiều loại hàng hoá, trong đó có nhiều mặt hàng kém chất lượng. Ảnh: T.H

 

Chưa kể đến, giá cả của nhiều loại hàng hoá bày bán ở nông thôn cũng rất “vô thưởng, vô phạt”, tùy vào từng chủ hàng đưa ra, chứ không theo một mức giá quy định cụ thể nào cả bởi hoạt động kinh doanh ở khu vực nông thôn chủ yếu vẫn chỉ mang tính nhỏ lẻ, thưa thớt, chưa có các trung tâm thương mại.

Ngoài ra, trong thời gian qua, ở các vùng nông thôn, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo đã tràn về, đưa các loại hàng hoá kém chất lượng về bán cho người dân với mức giá cao ngất ngưởng cũng đã góp phần làm đảo lộn, gây ra sự lộn xộn trong kinh doanh hàng hoá ở thị trường nông thôn.

Trong khi thị trường nông thôn đang tồn tại rất nhiều bất cập; gian lận thương mại diễn biến phức tạp; thì hoạt động quản lý thương mại, dịch vụ ở các xã vùng sâu, vùng xa thời gian qua lại chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều mặt hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng vẫn bày bán tràn lan cũng như tình trạng tư thương “làm mưa, làm gió” đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tình trạng người dân mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng khá phổ biến.

Theo các cán bộ quản lý thị trường, hiện tượng gian lận thương mại như hàng hóa không ghi tem, nhãn, hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... phổ biến ở thị trường nông thôn, đặc biệt là ở các khu vực xa xôi hẻo lánh, điểm bán hàng nhỏ lẻ, lưu động.

Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường hiện nay chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra hàng hóa tại các cửa hàng kinh doanh cố định, có quy mô tương đối lớn; việc thanh tra, kiểm tra hàng hóa tại các cửa hàng tuyến xã chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Nguyên nhân do lực lượng mỏng; thiếu kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; nhất là đối với công tác kiểm tra hàng kém chất lượng đã khiến cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Mặt khác, đôi lúc, đôi nơi, lực lượng chức năng cũng không “nỡ” xử lý mạnh tay vì các chủ hàng đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong khi đó có những mức xử phạt vượt quá khả năng chấp hành của các hộ kinh doanh; kiến thức hàng hoá của người bán hàng cũng còn hạn chế. Chính điều này phần nào cũng đã tiếp tay cho nạn hàng giả, hàng nhái lộng hành.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng phân bón. Ảnh: T.H

 

Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, từ đầu năm đến nay, các đội quản lý thị trường mới chỉ kiểm tra được 276 lượt cơ sở kinh doanh ở các xã trên địa bàn tỉnh; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với 29 cơ sở vi phạm, bao gồm 8 cơ sở về kinh doanh hàng cấm, 4 cơ sở về vi phạm các quy định trong kinh doanh và 17 cơ sở vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 28,6 triệu đồng; tịch thu và tiêu huỷ hàng hoá vi phạm ước tính giá trị khoảng 2,1 triệu đồng.

Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, các đội quản lý thị trường chỉ tập trung chủ yếu vào công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích về các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ quản lý ở cấp xã; đồng thời hướng dẫn các hộ kinh doanh và người dân cách nhận biết, phân biệt một số hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng; quy định về quy chế ghi nhãn hàng hoá, hàng hoá quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng hoá bao gói sẵn thiếu định lượng, hướng dẫn cách bảo quản, trưng bày hàng hoá phù hợp với tính chất, chủng loại từng hàng hoá...

Vẫn biết, đối với địa bàn còn nhiều khó khăn như Kon Tum, việc kiểm soát, xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa là điều không đơn giản.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cùng với lực lượng quản lý thị trường, thì các cấp, các ngành ở mỗi địa phương cũng cần vào cuộc mạnh mẽ nhằm siết chặt hơn nữa công tác quản lý; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm ngay từ đầu mối; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ sản xuất kinh doanh nâng cao ý thức, nhận thức, thực hiện đúng những quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thương mại.

Thiên Hương 

Chuyên mục khác