28/07/2017 07:02
Sâm Ngọc Linh ở Kon Tum đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm củ và được Nhà nước bảo hộ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh. Hầu hết các doanh nghiệp trên đều đang trong thời gian đầu tư, hoạt động thử nghiệm, chưa có sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường, trừ Công ty TNHH Thái Hoà có một số sản phẩm. Ngoài ra, tại thành phố Kon Tum còn có 1 cửa hàng chuyên bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh của Công ty CP DANACO Quảng Nam.
Hiện nay, nguồn sâm Ngọc Linh tự nhiên ngày càng khan hiếm, không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người dân. Xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận người dùng và lợi nhuận từ việc mua bán sâm Ngọc Linh quá cao nên một số cá nhân đã lợi dụng các dược liệu khác hoặc các loại củ có hình dáng giống sâm Ngọc Linh để mua bán, giới thiệu là sâm Ngọc Linh. Hoạt động mua bán các loại củ giả mạo sâm Ngọc Linh này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng thương hiệu sâm Ngọc Linh của tỉnh.
|
Thời gian qua, các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh các sản phẩm sâm Ngọc Linh. Song trên thực tế, việc quản lý đối với mặt hàng này còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và là một thách thức đối với ngành chức năng.
Ông Lê Như Nhất – Giám đốc Sở Công thương, Phó Ban chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Hiện nay không riêng gì lực lượng quản lý thị trường, mà các ngành chức năng như Công an, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đang rất lúng túng trong việc kiểm tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh sâm củ giả mạo sâm Ngọc Linh. Lý do là hoạt động mua bán sâm củ giả mạo sâm Ngọc Linh chủ yếu diễn ra với các hình thức rao bán trên các mạng xã hội, giao dịch trực tiếp qua điện thoại, hàng hóa không được bày công khai, thường cất giấu tại nơi ở, hàng hóa mua bán giao nhận tận tay. Cho nên các cơ quan chức năng rất khó phát hiện, xác lập chứng cứ, kết luận, lập biên bản về hành vi vi phạm đối với hoạt động mua bán sâm củ giả mạo sâm Ngọc Linh. Việc xác lập chứng cứ vi phạm đối với hàng hóa thông thường đang được cất giấu trong nhà đã khó, đối với mặt hàng sâm củ Ngọc Linh giả mạo lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng, quy trình tạm giữ hàng hóa, quy trình lấy mẫu kiểm định, cơ quan chuyên môn có thẩm quyền phân tích, kết luận đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh củ... chưa được ban hành; giữa các cơ quan chức năng vẫn chưa có sự thống nhất về quy trình kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm mua bán sâm củ giả mạo sâm Ngọc Linh.
Theo quy định của Nhà nước, hành vi kinh doanh sản phẩm được giới thiệu là sâm Ngọc Linh chỉ có thể xử lý khi xác lập được hành vi “Mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước”. Tuy nhiên, theo đánh giá của lực lượng chức năng việc xác lập chứng cứ để xử lý theo quy định pháp luật cũng không đơn giản do hoạt động mua bán lén lút, địa điểm giao dịch chủ yếu tại nhà riêng hoặc hoạt động vận chuyển sản phẩm không ghi rõ tên, địa chỉ cụ thể của người gửi, người nhận hàng hóa... nên nếu bị các lực lượng chức năng phát hiện thì người mua, người bán cũng sẽ phủ nhận hành vi vi phạm về kinh doanh các sản phẩm được gọi là sâm Ngọc Linh. Vả lại, để kết luận được hành vi “cất giữ” lâm sản trái với các quy định của Nhà nước trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì Chủ tịch UBND cấp huyện mới có thẩm quyền xem xét, quyết định. Chính vì vậy, hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động kinh doanh sâm Ngọc Linh giả không cao.
Việc siết chặt quản lý thị trường sâm Ngọc Linh để bảo vệ thương hiệu của sản phẩm này là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý, bên cạnh việc tiếp tục siết chặt quản lý của lực lượng chức năng thì việc sớm ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cây giống sâm Ngọc Linh và tiêu chuẩn chất lượng sâm Ngọc Linh củ là điều cần thiết.
Thiên Hương