Quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống sâm Ngọc Linh

23/07/2022 06:03

Là một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 6 tháng cuối năm 2022 đề ra. Điều này một lần nữa cho thấy việc quản lý nguồn gốc giống sâm Ngọc Linh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum và góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
Người dân cần cẩn trọng khi chọn lựa nguồn giống sâm Ngọc Linh cho vụ trồng mới. Ảnh: NP

 

Nghị quyết 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2022 đề ra chỉ tiêu trong năm 2022 trồng mới 500 ha sâm Ngọc Linh (huyện Đăk Glei 10 ha, huyện Tu Mơ Rông 490 ha). Và khi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là chính thức bước vào mùa trồng sâm Ngọc Linh thì việc quản lý chặt chẽ nguồn giống, chuẩn bị nguồn giống đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ hoàn thành chỉ tiêu trồng mới sâm Ngọc Linh năm 2022 mà còn bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum và sự phát triển của sâm Ngọc Linh trong chặng đường dài phía trước. 

Thực tế cho thấy sâm Ngọc Linh góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là xóa đói giảm nghèo trong đồng bào DTTS. Không ít người dân ở vùng Tu Mơ Rông, Đăk Glei đã thoát nghèo nhờ trồng sâm Ngọc Linh. Được tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, lại mắt thấy, tai nghe, người dân ở vùng núi Ngọc Linh thay đổi nếp nghĩ cách làm, khát vọng vươn lên thoát nghèo đã cùng nhau trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Khi “cầu” tăng mạnh không chỉ trong dân, mà cả với các doanh nghiệp thì “khát” nguồn giống sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng là tất yếu.

Theo báo cáo tiếp thu và giải trình của Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đối với các ý kiến tham gia vào văn kiện Đại hội, thì với diện tích sâm Ngọc Linh trồng tập trung (chưa kể diện tích sâm Ngọc Linh do các hộ trồng rải rác) có khả năng cho 26 triệu hạt giống/năm. Và với tỷ lệ nảy mầm 70% thì có khả năng đảm bảo cung ứng nguồn giống cho diện tích sâm trồng mới. Và theo thống kê của ngành Nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị khoảng 5,05 triệu cây giống sâm Ngọc Linh, đạt 101% kế hoạch. Tuy nhiên, công tác ươm và cung cấp giống dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng cho các tổ chức, cá nhân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chưa đảm bảo ở đây chính là việc trà trộn, đưa vào thị trường những loại giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng mà qua nhiều cuộc làm việc, qua các cơ quan truyền thông phản ánh. Tình trạng này có thể thấy rõ ngay từ các trang thương mại điện tử. Trong khi ngay người dân ở chính thủ phủ sâm Ngọc Linh vẫn còn những khó khăn trong việc tìm mua nguồn giống sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng thì thử gõ Google “Mua bán giống sâm Ngọc Linh”, đã có khoảng 6.880.000 kết quả chỉ trong 0,43 giây với nhan nhản các trang chào bán với đủ các mức giá.

Không chỉ loạn chào bán trên mạng internet, còn nhớ những năm trước đây, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiểm tra và xác nhận có sâm Ngọc Linh giả (bao gồm cả hạt, giống cây, củ, lá và hoa) trên thị trường. Các sản phẩm giả giống sâm Ngọc Linh được cho là có nguồn gốc từ tam thất hoang hoặc tam thất Vũ Diệp chuyển từ phía Bắc vào. Thực tình không phải ai bằng mắt thường cũng đủ khả năng để phân biệt được thật – giả (ngay cả sâm củ thành phẩm, chứ chưa nói đến cây sâm giống khi còn nhỏ). Và thực tế đã xảy ra tình trạng người dân vì khó phân biệt thật – giả, vì “khát” nguồn giống sâm Ngọc Linh đã mua và trồng giống sâm không rõ nguồn gốc, chất lượng.

Đặc biệt, gần đây, nhiều diện tích sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông, Đăk Glei bị chết do dịch bệnh, thì vấn đề bảo đảm nguồn giống chất lượng, an toàn với dịch bệnh càng trở nên cấp thiết.

Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch tương đối dài, ít nhất là phải 7 năm. Nếu nguồn giống không đảm bảo, không rõ nguồn gốc, thiệt hại trước mắt sẽ thuộc về người trồng (tổ chức, cá nhân); còn về lâu dài sẽ quyết định trực tiếp đến quá trình sinh trưởng, phát triển và bảo tồn nguồn gen, bảo vệ thương hiệu và lợi ích kinh tế. Đặc biệt, chi phí để trồng sâm Ngọc Linh khá cao, từ nguồn cây giống đến các điều kiện cần thiết khác. Nếu chẳng may trồng phải nguồn giống không đảm bảo, không ít người sẽ dễ bị vỡ mộng làm giàu, thậm chí là trắng tay từ cây “quốc bảo”.

Nguồn giống sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: NP

 

Chủ trương quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống sâm Ngọc Linh mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra không chỉ mang lại ý nghĩa về mặt phát triển kinh tế, về quản lý thương hiệu mà còn cả về mặt khoa học, bảo tồn nguồn gen gốc của sâm Ngọc Linh. Và tất nhiên khi nguồn gen bảo tồn, thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum được gìn giữ thì hành trình xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ “quốc bảo” mới trở thành hiện thực và sâm Ngọc Linh mới phát triển bền vững, mới đạt mục tiêu “Phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia”.

Vì lợi ích lâu dài, vì lợi ích chung của cả cộng đồng, của địa phương, cùng với việc tăng cường công tác quản lý, một điều không kém phần quan trọng là người trồng sâm phải nâng cao nhận thức, cẩn trọng chọn lựa nguồn giống, nói không với những giống cây không rõ nguồn gốc chính là góp phần giữ gìn và bảo vệ uy tín, danh tiếng cho thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.    

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác