Phục hồi kinh tế mạnh mẽ hậu Covid-19

13/05/2022 13:13

4 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng như trên cả nước đang dần được ổn định, số cả mắc mới ngày càng giảm. Đây là điều kiện để tỉnh Kon Tum tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, phục hồi kinh tế. Nhờ đó, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đều vượt kế hoạch, tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Nhóm ngành công nghiệp sản xuất tăng tới 85,58% so với quý I/2021. Ảnh: HỒNG LAM

 

Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt gần 11.200 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu ước đạt 94,9 triệu USD, tăng 22,7%; nhập khẩu ước đạt 1,22 triệu USD, tăng 29,5%. Chỉ số phát triển công nghiệp trong 4 tháng đầu năm cũng tăng 30,07% so với cùng kỳ; thành lập mới 132 doanh nghiệp (tăng 50%) với tổng vốn điều lệ khoảng 2.152 tỷ đồng, tăng 79,8% so với cùng kỳ.

Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngay từ đầu năm, Sở Công thương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đưa các sản phẩm đến tay người tiêu dung. Đặc biệt, đã phối hợp cùng các hệ thống siêu thị trên địa bàn tăng lượng hàng hóa 20 - 30%; hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee… Về công nghiệp, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm; tham mưu điều chỉnh Quyết định thành lập Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum.

Công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Hòa Bình. Ảnh: DT

 

Tuy nhiên, Ông Lê Như Nhất cũng cho rằng, khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra là rất lớn, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… gặp nhiều khó khăn. Điều này càng thể hiện rõ ràng hơn khi đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có thương hiệu, hàng hóa sản xuất, xuất khẩu chủ yếu là mới qua sơ chế hoặc chế biến thủ công nên giá trị gia tăng thấp, ít tính cạnh tranh.

“Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp tham mưu triển khai thực hiện Đề án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030. Tập trung kêu gọi đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh để nâng cao giá trị sản xuất, góp phần phục hồi đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh” - ông Lê Như Nhất khẳng định.

Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tỉnh Kon Tum cũng xây dựng kế hoạch phục hồi ngành du lịch - được xem là thế mạnh của địa phương. Bằng chứng là sau thời điểm mở cửa du lịch (15/3), tỉnh đã tổ chức hàng loạt các sự kiện văn hóa, du lịch có quy mô lớn, cấp khu vực và quốc gia như “Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên” cũng như chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” năm 2022 và công bố Kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Nhờ vào hàng loạt các hoạt động văn hóa, du lịch, chỉ trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Kon Tum đã thu hút được gần 500.000 lượt khách, đạt trên 53% kế hoạch và tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó, mang về khoản doanh thu trên 110 tỷ đồng, tăng 81,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, dù tỉnh ta có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, song do nằm xa các khu vực tăng trưởng kinh tế trọng điểm nên du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, nhất là vấn đề giao thông, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã đẩy mạnh xúc tiến du lịch vào các lĩnh vực như du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm hay du lịch cộng đồng.

“Các sự kiện văn hóa, du lịch không chỉ tạo ra một khoản doanh thu lớn, góp phần phục hồi kinh tế cho tỉnh Kon Tum, mà về lâu dài, các sự kiện còn giúp quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Kon Tum đến với du khách trong và ngoài nước. Qua đó sẽ tạo ra một lượng du khách ổn định, tăng trưởng theo từng năm, mở ra một tương lai đầy triển vọng cho du lịch Kon Tum thời kỳ hậu Covid-19” -  ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Có thể nói, kinh tế của tỉnh ta đang phục hồi một cách mạnh mẽ và hứa hẹn sẽ tiếp tục bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Điều này không chỉ thể hiện những quyết sách đúng đắn của tỉnh trong việc thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn cho thấy sự thống nhất, đồng lòng của các cấp, các ngành, đặc biệt là nhân dân trong công cuộc khôi phục kinh tế sau hai năm chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.                 

Dư Toán

Chuyên mục khác