12/06/2024 13:05
Ô nhiễm môi trường đất là sự tích tụ các chất độc hại, hóa chất, hay các chất gây ô nhiễm trong đất, làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên của đất. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và các sinh vật sống khác.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm đất đang ngày càng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó chủ yếu là đô thị hóa nhanh chóng; sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón hóa học; rác thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý đúng cách.
Bên cạnh đó, những biến đổi tự nhiên, như xói mòn, lũ lụt và sự thay đổi khí hậu cũng góp phần làm gia tăng mức độ ô nhiễm.
Và nhất là, ý thức của con người về bảo vệ môi trường còn hạn chế, nhiều người vẫn vứt rác bừa bãi, sử dụng hóa chất không kiểm soát, không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
|
Ở tỉnh ta, tin vui là, tuy chất lượng đất có sự biến đổi tăng nhẹ nhưng không đáng kể; không bị ô nhiễm bởi các thông số kim loại nặng trong đất; các chỉ số pH (H2O) và pH (KCl) từ chua nhẹ đến trung tính.
Theo Báo cáo số 388/BC-UBND của UBND tỉnh (ngày 31/10/2023) về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2023, kết quả quan trắc tại 8 vị trí cho thấy, hàm lượng các kim loại nặng nằm trong giới hạn loại 1 của QCVN 03:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất.
Tuy nhiên, tin không vui là quá trình canh tác, cải tạo đất, hoạt động dân sinh đang để lại những cảnh báo về ô nhiễm môi trường đất. Trong đó, việc sử dụng phân bón, canh tác đất một cách bất hợp lý đang làm thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước dưới đất.
Theo Bộ chỉ thị môi trường tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020, chỉ tính giai đoạn 2016 – 2020, lượng phân bón sử dụng trong nông nghiệp tăng khoảng 1,5 lần, từ 200.000 tấn (năm 2016) lên 300.000 tấn (năm 2020).
Cũng theo nguồn trên, thực tế sản xuất cảnh báo sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Bằng chứng là khối lượng thuốc BVTV sử dụng trong 4 năm 2016-2020 tăng khoảng 1,3 lần, từ 300 tấn (năm 2016) lên 400 tấn (năm 2020).
Dù góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất, sản lượng cây trồng, nhưng thuốc BVTV và phân bón hóa học cũng là một trong những tác nhân gây nên ô nhiễm môi trường, nếu không được sử dụng đúng cách.
Lượng phân bón sử dụng không hợp lý, không đúng liều lượng sẽ gây tồn dư phân bón trong đất, gây ô nhiễm môi trường đất. Tương tự, sử dụng quá nhiều thuốc BVTV, không đúng liều lượng, đúng phương pháp sẽ gây ô nhiễm không khí, nước và đất.
Chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những vấn đề lớn cần quan tâm. Dư lượng thuốc và phân bón từ túi đóng gói và chai có thể theo nước mưa và nước tưới sẽ chảy ra gây ô nhiễm đất và nước.
Hậu quả của ô nhiễm môi trường đất thể hiện rất rõ ràng. Đó là hạn chế hiệu suất canh tác nông nghiệp, vì đất bị ô nhiễm sẽ mất đi độ phì nhiêu, làm giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân và an ninh lương thực.
Đặc biệt, ô nhiễm môi trường đất có tác động lớn tới sức khoẻ con người. Con người có thể bị nhiễm các chất độc hại qua thực phẩm, nước uống và không khí, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, và các vấn đề về hô hấp.
|
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, phục hồi đất, bảo vệ môi trường đất có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an ninh lương thực.
Ngày 29/12/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1325/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó chủ trương mở rộng và hình thành mới các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm hữu cơ, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 0,5 - 1% tổng diện tích gieo trồng. Phấn đấu tỷ lệ người dân sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học đạt trên 30%; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trên tổng số sản phẩm phân bón lên 15%.
Tính đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ hoạt động hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ áp dụng công nghệ và sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón sinh học.
Tuy nhiên, từ thực tế trên cho thấy, để tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững, cần tiếp tục có sự quan tâm hơn nữa trong việc giải quyết các thách thức về môi trường đất.
Trong đó, chính quyền cần giám sát và thực thi hiệu quả các chính sách và quy định hiện hành về bảo vệ môi trường đất và giải quyết ô nhiễm môi trường đất trong sản xuất nông nghiệp.
Thúc đẩy hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Giúp đỡ nông dân thay đổi tập quán canh tác không bền vững, như không sử dụng các loại phân bón hóa học một cách tùy tiện, bón đúng cách, bón đủ, bón vào những lúc cây trồng cần thiết; nâng cao nhận thức về thu gom, xử lý vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV và phân bón.
Tiến hành phân loại các khu vực đất ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm cao; xác định phạm vi, mức độ cần bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất và lập kế hoạch và lộ trình thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất đã được xác định.
Kiểm soát các khu vực đất bị thoái hóa, ô nhiễm chưa được bảo vệ, cải tạo, phục hồi theo quy định bao gồm khoanh vùng, cảnh báo, không cho phép hoặc hạn chế hoạt động trên đất nhằm giảm thiểu tác động xấu đến đất.
Hồng Lam