Phủ xanh đất trống, đồi trọc gắn với phát triển kinh tế rừng

24/08/2019 06:04

Tỉnh ta hiện còn 176.834,6ha đất trống, đồi trọc nằm trong quy hoạch lâm nghiệp. Để từng bước phủ xanh diện tích này, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp gắn phát triển rừng với việc tạo sinh kế từ rừng, tăng thu nhập cho người dân, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên rừng…

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, đến nay, tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng của tỉnh là 608.989ha, tương ứng với độ che phủ rừng 62,95%. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 18% diện tích tự nhiên là đất trống nằm trong quy hoạch lâm nghiệp, phần lớn diện tích này nằm ở địa hình dốc, độ cao trên 700m rất khó chọn các loài cây trồng rừng kinh tế.

Vấn đề phủ xanh đất trống, đồi trọc gắn với phát triển kinh tế rừng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên rừng, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái là điều mà nhiều người băn khoăn. Đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, chất vấn UBND tỉnh và ngành chức năng trong kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XI vừa qua.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp, vấn đề nêu trên đang được tỉnh, ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng thực hiện với rất nhiều giải pháp triển khai sát thực tế.

Trước hết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, các huyện, thành phố rà soát diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn để có kế hoạch vận động người dân trả lại đất và hỗ trợ trồng rừng sản xuất thay thế phương thức canh tác rẫy. Chỉ tính riêng trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án trồng rừng sản xuất trên đất trống, đồi núi trọc, đất bạc màu tại địa bàn huyện Sa Thầy giai đoạn 2019 -2020 với diện tích là 300ha; phương án thí điểm giao rừng gắn với hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình phát triển kinh tế rừng trên địa bàn thành phố Kon Tum với diện tích là 190ha và các địa phương khác khoảng 200ha.

Các đơn vị chủ rừng tiến hành rà soát quỹ đất quy hoạch lâm nghiệp trong lâm phần được giao quản lý, trên cơ sở đó xây dựng phương án trích một phần tiền dịch vụ môi trường rừng là nguồn thu của đơn vị để trồng rừng hoặc hỗ trợ người dân có nhu cầu trồng rừng sản xuất.

Cùng với công tác trồng rừng, các giải pháp về giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cũng được ngành chức năng của tỉnh, các địa phương và các chủ rừng chú trọng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại, các ban quản lý, các công ty lâm nghiệp đã thực hiện khoán bảo vệ rừng cho 13 tổ chức, 335 cộng đồng, 234 nhóm hộ và 2.589 hộ gia đình, trung bình đạt 201.211ha/năm; hỗ trợ bảo vệ rừng đối với diện tích đã giao rừng nhưng chưa được hưởng lợi cho 11 cộng đồng với 7.935,4ha.

Đồng thời, để việc giữ rừng đạt hiệu quả, thời gian qua, các cấp, các ngành và các địa phương tích cực thực hiện việc kết hợp công tác quản lý bảo vệ với phát triển sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống ở khu vực có rừng.

Cụ thể, tỉnh đã triển khai nhiều đề án phát triển kinh tế- xã hội trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp để hỗ trợ cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cải thiện sinh kế cho người dân thông qua các hoạt động bảo vệ rừng, hỗ trợ trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng, vay vốn sản xuất…

Để phủ xanh đất trống, đồi trọc, tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ người dân phát triển rừng sản xuất. Ảnh: VN 

 

Tiêu biểu như đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... Hiện, toàn tỉnh đã có 29 cộng đồng và 159 hộ gia đình tham gia bảo vệ 7.048ha rừng được hỗ trợ kinh phí; hỗ trợ người dân trồng dược liệu dưới tán rừng với diện tích khoảng 30ha… Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Phương án thí điểm trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu dưới tán rừng đặc dụng kết hợp bảo vệ rừng bền vững trên địa bàn tỉnh trình Bộ NN-PTNT xem xét cho ý kiến. Trong đó mục tiêu của phương án này là phát triển sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu khác dưới tán rừng đặc dụng, góp phần bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Kon Tum; tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, góp phần ổn định dân sinh và phát triển kinh tế- xã hội.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp, để tiếp tục thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi trọc gắn với phát triển kinh tế rừng, tạo sinh kế ổn định, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng, trong thời gian đến, UBND sẽ trình các bộ, ngành Trung ương đề án “Bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là tập trung lựa chọn cơ cấu cây trồng rừng phù hợp điều kiện tự nhiên và có giá trị kinh tế. Tỉnh dự kiến hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho nhân dân khoảng 15.000 ha; đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng, khoán bảo vệ rừng để người dân hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tăng cường thu hút đầu tư hình thành các nhà máy chế biến gỗ, nhà máy giấy, bột giấy tạo đầu ra thuận lợi cho việc phát triển rừng trồng sản xuất đảm bảo người dân cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống từ nghề rừng.

Với diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp tương đối lớn, tỉnh ta có tiềm năng, thế mạnh về phát triển lâm nghiệp và có sức cạnh tranh lớn về kinh tế rừng. Việc tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc, phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng tạo ra sự đột phá về phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa; góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế của người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn.

Thiên Hương

Chuyên mục khác