09/03/2017 08:07
Cứ vào sáng Chủ nhật hằng tuần, 33 hội viên phụ nữ thôn 9, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy đều tập trung tại nhà rông của thôn để quét dọn, sau đó vệ sinh các con đường của thôn và cuối cùng về dọn dẹp tại nhà mình.
Chị Y Đây - hội viên chi hội phụ nữ thôn 9 này cho biết: Từ khi thực hiện Cuộc vận động này, mỗi buổi sáng thức dậy, phụ nữ trong thôn đều tập trung quét dọn nhà cửa, nấu cơm, giặt giũ áo quần, rồi đưa con đến trường, sau đó lên rẫy lao động sản xuất. Đến ngày Chủ nhật, chị em phụ nữ trong thôn lại tập trung tích cực vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhà rông công cộng để giữ gìn vệ sinh chung trong khu dân cư.
|
Chị Nguyễn Thị Làn - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Ruồng cho biết: Ngay sau khi triển khai Cuộc vận động này, Hội Phụ nữ xã đã tăng cường tuyên truyền vận động, phổ biến nội dung, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động này tới toàn thể hội viên, đồng thời tổ chức cho chị em phụ nữ đăng ký thực hiện, đưa nội dung “5 không, 3 sạch” vào tiêu chí thi đua hàng năm. Nhờ đó, tỷ lệ hội viên đăng ký thực hiện hàng năm đạt trên 100% và đã có 84% hội viên thực hiện đạt các tiêu chí của Cuộc vận động. Nhiều chị em đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, nếp nhà, góc bếp gọn gàng ngăn nắp hơn.
Không chỉ ở xã Đăk Ruồng, Hội LHPN huyện Kon Rẫy đã chỉ đạo cho Hội Phụ nữ xã Đăk Tờ Lung thành lập mô hình “Nhà sạch, đường làng, cổng ngõ đẹp” tại thôn 7 thu hút 44 hội viên phụ nữ tham gia.
Chị Y Đông - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Tờ Lung cho biết: Từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ban Quản lý mô hình này đã mua 35 rọt rác, có quy định lấy ngày 23 hằng tháng sẽ là ngày các hội viên tổng dọn vệ sinh từ trong nhà mình ra đến ngõ làng và khu dân cư của thôn.
Trong năm 2016, toàn huyện đã thành lập mới được 8 mô hình “5 không, 3 sạch” và có 249 hội viên phụ nữ tham gia. Trong đó, 2 mô hình “3 sạch” tại 2 xã: Đăk Tơ Lung, Đăk Ruồng và có 43 phụ nữ tham gia; 3 mô hình “Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên” tại các xã: Đăk Kôi, Đăk Ruồng, Đăk Pne và có 49 phụ nữ tham gia; 1 mô hình “Phụ nữ với nông thôn mới” tại thôn 5, xã Đăk Tơ Re và có 35 phụ nữ tham gia; 1 mô hình “Đào hố rác” tại thôn 4, thị trấn Đăk Rve và có 30 hộ tham gia; 1 mô hình “Nhà đẹp, đường làng, cổng ngõ đẹp” tại thôn 7, xã Đăk Tơ Lung có 37 hộ tham gia.
Hội LHPN huyện cũng đã phát động xây dựng quỹ tiết kiệm tại chi hội, tổ hội nhằm giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo và duy trì có hiệu quả mô hình “Tiết kiệm - tín dụng” trong hội viên, phụ nữ. Đồng thời, tích cực khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, triển khai có hiệu quả Chương trình vốn vay ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và tín chấp cho 567 chị em phụ nữ với tổng số vốn 15,147 tỷ đồng, nâng tổng số vốn vay lên 54,922 tỷ đồng cho 2.075 chị em phụ nữ vay.
Đặc biệt, Hội thường xuyên vận động hội viên, phụ nữ thực hiện nếp sống văn minh, đấu tranh xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tích cực tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình... góp phần xây dựng nông thôn mới.
Chị Đinh Thị Thuận - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Rẫy cho biết, để triển khai Cuộc vận động này có hiệu quả, rộng khắp, thu hút sự tham gia của chị em phụ nữ và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, thì công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ ở tất cả các cấp hội. Hội cũng xác định, đây là mô hình có tác dụng tích cực trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần cùng với chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hà Nguyên