15/05/2022 06:03
Hội LHPN huyện Ngọc Hồi hiện có hơn 8.000 hội viên tham gia sinh hoạt ở 68 chi hội; trong đó, có 386 hội viên phụ nữ thuộc diện hộ nghèo. Nhằm giúp hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo, Hội LHPN huyện đã đẩy mạnh thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Qua đó, các hội viên đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế và lúc khó khăn, hoạn nạn. Đồng thời, Hội LHPN huyện cũng chỉ đạo các cấp hội xây dựng các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, phù hợp với yêu cầu thực tế ở địa phương, như Tổ liên kết trồng nấm sạch, Tổ liên kết trồng lúa nếp cẩm, Tổ liên kết nuôi heo sọc dưa, Tổ liên kết trồng chuối tiêu hồng... Từ các mô hình kinh tế tập thể đã giúp cho các hội viên nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chị Đặng Thị Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Năm 2021, Hội LHPN xã đã thành lập mô hình nuôi heo sọc dưa và hỗ trợ 5 con heo giống cho 3 hội viên có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí 25 triệu đồng. Sau hơn 1 năm triển khai, từ 5 con heo giống ban đầu đã phát triển lên 33 con và đã có 1 hội viên thoát nghèo. Hiện Hội LHPN xã đã hỗ trợ thêm heo giống cho 3 hội viên khác có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế.
“Hội LHPN xã đã hỗ trợ gia đình 2 con heo sọc dưa và hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh. Sau 1 năm nuôi tôi thấy mô hình rất hiệu quả, thức ăn thì tận dụng cây chuối có sẵn trên rẫy, heo ít dịch bệnh và đã sinh sản được hơn 10 con. Từ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã và sự cố gắng của gia đình thì năm 2021 gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi sẽ cố gắng vươn lên làm giàu và tuyên truyền, giúp đỡ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn khác” - chị Lương Thị Hằng ở thôn Măng Tôn, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết.
|
Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội LHPN xã Đăk Nông mà từ mô hình nhỏ lẻ của hộ gia đình, chị Y Tuân ở thôn Nông Nội đã thành lập được Tổ hợp tác sản xuất Cải khô Y Tuân, với sự tham gia của 5 thành viên. Bình quân hằng tháng Tổ hợp tác thu mua khoảng 200 - 300kg rau cải tươi của các hội viên phụ nữ để chế biến thành sản phẩm cải khô. Với giá bán 800 nghìn đồng/kg cải khô, hằng tháng đã giúp cho các thành viên tổ hợp tác có thêm nguồn thu nhập. Chị Y Tuân, cho biết: Cũng nhờ xã hỗ trợ, hướng dẫn nên tháng 1/2022, sản phẩm Cải khô đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, đây là động lực để tổ hợp tác tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất.
Song song với việc xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Ngọc Hồi cũng chỉ đạo các cơ sở hội tăng cường khai thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để tín chấp cho phụ nữ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính đến nay tổng dư nợ hơn 180 tỷ đồng, với 3.577 hội viên vay. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho 5 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, với tổng kinh phí 30 triệu đồng. Với những cách làm hiệu quả, trong năm 2021 có 53 hội viên phụ nữ thoát nghèo và 25 hội viên phụ nữ thoát cận nghèo.
|
Chị Y Hương ở thôn Tà Pók, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi cho biết: Từ ngày vay 30 triệu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và tham gia vào tổ liên kết chăn nuôi heo sọc dưa đã giúp cho gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn. Tôi sẽ quyết tâm phát triển chăn nuôi để thoát diện hộ cận nghèo.
Đặc biệt, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn phối hợp thành lập được 8 mô hình sản xuất, bước đầu giúp hội viên, phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự tin tham gia phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây là cơ sở để Hội LHPN huyện nhân rộng các mô hình hiệu quả, giúp cho nhiều hội viên phụ nữ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững - chị Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ngọc Hồi chia sẻ.
Khánh Ngân