01/01/2019 13:11
3 năm nay, kể từ ngày Hội LHPN xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) xây dựng và đưa mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản” đi vào hoạt động, đường liên thôn, liên xóm trên địa bàn xã càng sạch đẹp hơn. Các tuyến đường nông thôn không còn tình trạng cỏ dại mọc lên um tùm, rậm rạp. Nhiều thôn làng trong xã chị em phụ nữ còn chung sức trồng, chăm sóc các tuyến đường hoa, tạo cảnh quan và điểm nhấn cho thôn làng.
Không riêng xã Đăk Ngọk, chung sức xây dựng nông thôn mới, chị em phụ nữ làng Kon Lung (xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy) và các làng thuộc xã Hơ Moong, xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), xã Ia Chim (thành phố Kon Tum)… cũng tập trung làm cỏ, dọn dẹp rác hai bên đường; duy trì, chăm sóc tuyến đường hoa, tạo không khí trong lành, môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Ngoài việc duy trì con đường hoa, nhiều chi hội phụ nữ còn xây dựng hiệu quả mô hình “Biến rác thành tiền”, “Thu gom rác thải”… vừa để bảo vệ môi trường, vừa gây quỹ giúp chị em phụ nữ nghèo vượt qua khó khăn. Điển hình như tại xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) hiện đã có 11 chi hội phụ nữ thực hiện hiệu quả mô hình “Biến rác thành tiền”.
|
Chị Y Chon - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục phấn khởi cho biết: Dù công việc bận rộn nhưng chị em rất tích cực tham gia các hoạt động. Đặc biệt, được tuyên truyền, nâng cao ý thức, các chị em đều nỗ lực xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp công sức làm đường giao thông nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh việc tạo cảnh quan sạch đẹp ở các tuyến đường nông thôn, các cấp Hội Phụ nữ còn xây dựng mô hình “Phụ nữ đảm bảo an toàn giao thông”. Theo đó, mỗi chị em phụ nữ vừa là một tấm gương điển hình chấp hành Luật An toàn giao thông đường bộ, đồng thời là một tuyên truyền viên đến tận các thôn làng vận động, giúp bà con nâng cao ý thức chấp hành, qua đó hạn chế tai nạn, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài các mô hình, trong năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 9 “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” tại các huyện, thành phố, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Phụ nữ còn tích cực vận động, hỗ trợ khoảng 110 hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế; đồng thời tổ chức các buổi quảng bá, giới thiệu các gian hàng, sản phẩm của hội viên phụ nữ sản xuất.
Cùng với đó, để chị em phụ nữ có vốn phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho hơn 7.000 lượt hội viên, phụ nữ vay mới 260,7 tỷ đồng. Với nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, trong năm, toàn tỉnh có 206 hộ phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều, góp phần vào chỉ tiêu giảm nghèo chung trên địa bàn tỉnh.
Được sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ và sự năng nổ tham gia các hoạt động phong trào, chị em phụ nữ trong tỉnh từng bước xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, vừa chung sức xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp.
Bình An