Phòng chống bão lũ: Lấy phòng làm chính

14/07/2017 09:06

​Thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong công tác phòng chống bão lũ, tỉnh xác định phải lấy phòng làm chính. Việc chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.

Kon Tum có địa hình chia cắt, đồi núi cao, dốc và sông suối nhiều. Mưa lũ thường khiến các sông, suối lên nhanh và thường xảy ra hiện tượng sạt lở đất, cuốn trôi nhà cửa, hư hại các công trình giao thông, thủy lợi, gây thiệt hại cây trồng, vật nuôi và chết người. Trong công tác phòng chống bão lũ, việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng tránh là vấn đề luôn được quan tâm.  

Theo ông Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, dự báo năm nay có 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh, tập trung từ tháng 7-11 gây ra mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng sinh ra lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất. Mực nước đỉnh lũ có khả năng xuất hiện trong tháng 9, tháng 10 với mực nước lớn nhất trên các sông chính đạt cao hơn mức báo động 3 từ 0,5 -1,5m, riêng sông Đăk Bla tại thành phố Kon Tum mực mước đỉnh lũ lớn nhất có khả năng đạt mức báo động 3.

Kiểm tra hò đập trong mùa mưa. Ảnh: T.V.N

 

Trước những biến đổi khí hậu, mưa lũ ngày càng có nhiều yếu tố bất thường, khó đoán định. Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc phòng tránh thiên tai phải lấy phòng làm chính. Muốn phòng tránh hiệu quả, phải kiểm tra các hồ đập thủy lợi, thủy điện để nắm bắt tình hình, kịp thời khắc phục các sự cố, bảo đảm công trình vượt lũ. Các ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) sẵn sàng huy động các lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ người, tài sản và công trình khi xảy ra sự cố.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, các Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp rà soát, kiểm kê trang thiết bị, vật tư phòng chống theo quy định phân cấp; rà soát những làng, hộ dân sinh sống gần khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, sạt lở đất để kịp thời cảnh báo, giúp dân chủ động ứng phó. Các thành viên Ban chỉ huy được phân công bám địa bàn cùng với huyện có kế hoạch phòng tránh bão lũ; Đài Khí tượng thủy văn tỉnh và các cơ quan truyền thông... tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thiên tai để giúp người dân, cộng đồng nâng cao ý thức tự giác và chủ động phòng tránh.

Trong kế hoạch phòng tránh thiên tai, UBND tỉnh xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm: Kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp để thống nhất chỉ đạo, điều hành; phân công các thành viên phụ trách từng địa bàn, khu vực trọng điểm, xung yếu; đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo giữa Ban chỉ huy các cấp, các ngành; tuyên truyền Luật Phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo về thời tiết, thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh hiệu quả.

Thực hiện chủ trương lấy phòng tránh làm chính, ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết, ngay trước khi bước vào mùa mưa, đơn vị tiến hành duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi. Việc duy tu, bảo dưỡng các công trình đến nay đạt khoảng 80% khối lượng theo kế hoạch. Đối với các hồ chứa, mực nước hồ lên cao, Ban phải xả bớt để bảo đảm các công trình vượt lũ.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở; nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi có thiên tai xảy ra từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, xã, thôn, khu dân cư để mọi người phòng tránh có hiệu quả.  

Trần Văn Nhiên

Chuyên mục khác