31/07/2022 06:07
Theo đó, tại Hội nghị tuyên truyền ở các xã thuộc 10 huyện, thành phố, cán bộ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cùng kiểm lâm địa bàn giới thiệu chung về chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, một số điều quy định tại Luật Lâm nghiệp.
Bằng cách thức tổ chức chia thành từng nhóm để thực hành và thảo luận; đồng thời, đổi mới cách truyền tải thông tin cởi mở, gần gũi, ngắn gọn, dễ nhớ, các Hội nghị đã diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức đoàn thể ở địa phương tham gia.
Ông A Sinh- bí thư chi bộ, trưởng thôn thôn Pu Tá (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) chia sẻ, cộng đồng dân cư thôn Pu Tá có hơn 60 hộ dân với 133 khẩu đang nhận khoán bảo vệ hơn 220ha rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tu Mơ Rông. Thông qua các hội nghị, các hộ dân trong thôn cơ bản nắm được khái niệm về rừng, dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ và phát triển rừng, hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và lợi ích của việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng.
Những năm qua, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Pu Tá luôn thực hiện đúng cam kết với đơn vị chủ rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra rừng với 5-6 hộ/đợt, chủ động phòng cháy rừng bằng việc không phát dọn, làm rẫy ở khu vực giáp ranh với rừng, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hiệu quả (chi hoạt động chung của thôn, tuần tra rừng, duy tu sửa chữa các cầu treo đi khu sản xuất của thôn…).
“So với trước đây, hiện nay, nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng dân cư thôn Pu Tá đã được nâng lên rõ rệt. Mỗi hộ dân đều ý thức nêu cao trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng” - ông A Sinh cho hay.
|
Tại xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi), ông A Khen, hộ dân ở thôn Đăk Giá 1 đang nhận khoán bảo vệ hơn 6ha rừng cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi cho biết, tham gia Hội nghị tập huấn, bản thân ông cùng các gia đình trong thôn đã hiểu hơn về ý nghĩa của bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, nguồn đất. Vì vậy đã xây dựng kế hoạch, sắp xếp lịch đi tuần tra rừng phù hợp và sử dụng nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hiệu quả.
“Trong thời gian tới, nếu có điều kiện tôi sẽ sử dụng một phần diện tích đất đang trồng cà phê, bời lời và mì của gia đình để trồng rừng, vừa phát triển kinh tế và góp phần phát triển rừng cho địa phương” - ông A Khen nói.
Tại các hội nghị tuyên truyền, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn ở các địa phương được tiếp cận phương pháp giám sát và đánh giá, quản lý và bảo vệ rừng thông qua các mẫu văn bản, bảng biểu, sơ đồ nguồn tài nguyên; xây dựng quy chế, lập kế hoạch sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại cộng đồng dân cư thôn cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, hoạt động chung của thôn và cho vay phát triển sinh kế; tham khảo một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và người dân được hiểu hơn về trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp, trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy rừng.
Hiện tại, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tuyên truyền tại các xã thuộc huyện Kon Plông; tháng 8/2022 sẽ tổ chức tại thành phố Kon Tum. Qua đó, hoàn thành kế hoạch truyền thông năm 2022, phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và tập huấn quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong phát triển sinh kế cho cộng đồng và người dân ở 50 xã thuộc 10 huyện, thành phố.
Đức Thành