Phát triển vùng nguyên liệu chanh dây

22/11/2024 13:02

Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển cây chanh dây. Điều đáng mừng là vùng nguyên liệu chanh dây đã được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm để sản xuất nước ép cô đặc chanh dây nên người dân yên tâm và mạnh dạn phát triển loại cây trồng này.

Tại xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), Tổ liên kết do ông Nguyễn Văn Quyết (làm đại diện) đã liên kết với Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai trồng 35ha chanh dây. Anh Thành, đại diện Tổ liên kết cho biết: Được Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai chọn xây dựng mô hình liên kết để phát triển vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến chanh dây của Công ty, chúng tôi đã chuyển đổi diện tích của các hộ liên kết sang trồng cây chanh dây. Hiện nay, trong tổng diện tích 35ha và đã có 28ha đang thu hoạch, 7ha mới trồng thêm. Chanh dây có năng suất và lợi nhuận trung bình cao hơn so với các loại cây khác. Bên cạnh đó trong quá trình phát triển cây chanh dây, chúng tôi được Công ty hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu thu mua sản phẩm với giá cả ổn định nên rất yên tâm đầu tư phát triển mở rộng diện tích.

Tận dụng điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng thuận lợi, cũng như ông Quyết, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đầu tư phát triển chanh dây. Theo thống kê diện tích chanh dây đã trồng mới từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 400ha (bao gồm cả diện tích chanh dây ký hợp đồng liên kết với các tổ chức, cá nhân trồng chanh dây trên địa bàn tỉnh của Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai)/1.000ha chỉ tiêu kế hoạch giao, đạt 33,86% (theo Quyết định số 731/QĐ-UBND, ngày 12/12/2023 của UBND tỉnh). Trong đó, Sa Thầy 103,60ha; Ia H’Drai 20ha; Kon Rẫy 34,02ha; Kon Plông 10ha; Đăk Hà 30,40ha; Đăk Tô 106ha; Đăk Glei 0,5ha và thành phố Kon Tum 34,07ha. Nguyên nhân diện tích chanh dây trên địa bàn chưa đạt do giá các loại nông sản như cà phê, tiêu, sầu riêng tăng cao và ổn định dẫn đến cạnh tranh diện tích với chanh dây; giá chanh dây bấp bênh, thị trường không ổn định nên ảnh hưởng đến tâm lý người nông dân; thời tiết bất thường, mùa mưa đến muộn nên ảnh hưởng đến việc phát triển chanh dây.

Diện tích chanh dây đang được người dân trồng khá nhiều trên địa bàn. Ảnh: HN

 

Đăk Tô là địa phương có diện tích chanh dây trồng mới trong năm nay nhiều nhất với 106ha. Theo ông Tưởng Văn Khanh- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, trên địa bàn huyện có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển chanh dây. Với đặc tính dễ trồng, thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn và thời gian thu hoạch quả kéo dài, hầu như quanh năm nên chanh dây được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đầu tư phát triển. Phòng cũng đã phối hợp với các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân đưa chanh dây vào sản xuất, thay thế cho những cây trồng khác mang hiệu quả thấp. Đặc biệt, để người dân yên tâm sản xuất, huyện đã trao đổi, làm việc với Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai liên kết với người dân để bao tiêu sản phẩm. Theo đó, Công ty sẽ hỗ trợ kỹ thuật, phân bón bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc phát triển vùng nguyên liệu chanh dây chưa đảm bảo kế hoạch năm 2024 đã đề ra. Nguyên nhân là sau khi tính toán công suất hoạt động chế biến của nhà máy thì không đảm bảo hoạt động liên tục cho 1.000ha chanh dây trong một thời điểm thu hoạch nên việc trồng mới cây chanh dây được chia ra ở các thời điểm khác nhau.

Ông Nguyễn Hồng Mạnh- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai cho biết: Để đảm bảo chế biến hoạt động liên tục, không tồn đọng chanh dây trong nhân dân khi thu hoạch, Công ty đã trao đổi với các địa phương và các hộ dân chủ động chia việc trồng mới thành 3 chu kỳ. Cụ thể, chu kỳ 1 từ tháng 4 đến hết tháng 12/2024 trồng khoảng 350ha; chu kỳ 2 từ tháng 1 đến tháng 3/2025 trồng khoảng 350ha; chu kỳ 3 đến tháng 6/2025 trồng khoảng 300ha.

Mô hình chanh dây liên kết tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum. Ảnh: H.N

 

Cung theo ông Mạnh, nhà máy của Công ty đã xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình chính của dự án. Để đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và triển khai liên kết với các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố để phát triển vùng trồng  chanh dây với tổng diện tích liên kết khoảng 350ha, trong đó, đã xuống giống gần 200ha và đang tiếp tục triển khai liên kết, xuống giống trong thời gian tới.

Theo bà Y Hằng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành đã chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết như giống cây trồng, vốn, đất đai, vật tư nông nghiệp để triển khai trồng mới chanh dây, đảm bảo đáp ứng vùng nguyên liệu sản xuất. 

Toàn bộ diện tích chanh dây được người dân ở các địa phương trong tỉnh phát triển trong thời gian đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, với việc có nhà máy chế biến ngay trên địa bàn nên người dân yên  tâm liên kết phát triển diện tích. Đây là tín hiệu đáng mừng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho người dân và hiệu quả sử dụng đất.      

Hà Nam

Chuyên mục khác