Phát triển vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông

24/08/2018 18:10

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh, thời gian qua, huyện Kon Plông đã xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án, tổ chức triển khai thực hiện. Sau mấy năm thực hiện, vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông đã có những chuyển biến rõ nét trên một số lĩnh vực.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lân - Bí thư Huyện ủy cho biết: Công tác thu hút đầu tư được quan tâm, có sự chọn lọc, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tính đến quý I/2018, có 96 dự án đăng ký thực hiện đầu tư với tổng vốn 8.692 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn có bước khởi sắc; đẩy mạnh xây dựng và phát triển vùng kinh tế động lực gắn với việc quy hoạch và phát triển Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen; tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Các dự án của các doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, điện, nước, nhà ở, nhà kho, khu chế xuất, hệ thống nhà lồng, nhà kính khoảng 40.200m2; hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân theo công nghệ Israel, tưới phun sương để phục vụ cho sản xuất.

Ngoài ra, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đã đầu tư xây dựng khoảng 8.000m2 nhà kính, hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel; 2.400m2 hệ thống thủy canh để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp thuê để thực hiện dự án.

Đầu tư phát triển các loại hoa xứ lạnh ở Kon Plông. Ảnh: Q.Đ

 

Huyện đã chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng; mở rộng diện tích trồng cây dược liệu khoảng 70ha, bao gồm các loại cây đảng sâm, đương quy, nghệ đỏ, đinh lăng, sa nhân; đồng thời kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng thử nghiệm một số cây như: lan kim tuyến, ba kích tím, hà thủ ô đỏ…

Bên cạnh đó, huyện cũng đã hỗ trợ cho nhân dân 5 máy cày lớn; hỗ trợ các loại máy xới cỏ, máy cắt lúa, máy cày tay, máy tuốt lúa có động cơ; vận động nhân dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.

Ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện cho hay: Từ năm 2017 đến nay, các hộ dân trên địa bàn các xã Măng Bút, Hiếu, Ngọc Tem... đã tiến hành trồng được 83ha cây bắp lấy thân làm thức ăn cho gia súc, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha. Công ty CP Dược liệu & Thực phẩm Măng Đen tổ chức thu mua sản phẩm thân cây bắp trên 11 triệu đồng/ha. Ngoài ra, huyện đã thành lập 30 tổ hợp tác tại các xã và thu hút được 13 công ty đầu tư dự án trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện; phát triển 53ha cây lúa gạo đỏ tại xã Măng Bút để sản xuất và đưa sản phẩm đặc trưng này tiêu thụ tại thị trường các tỉnh.

Trong 2 năm tới, huyện tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng; mở rộng diện tích trồng cây dược liệu theo cơ cấu từng tiểu vùng; thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng một số cây thử nghiệm, phát triển tốt như: lan kim tuyến, ba kích tím, hà thủ ô đỏ… Đồng thời, chú trọng khai thác, bảo tồn các loại dược liệu sẵn có ngoài tự nhiên như: cây chè dây, giảo cổ lam, cốt toái bổ, tiêu rừng, sơn tra (táo mèo), chuối rừng, ngũ vị tử, các loại nấm. Thực hiện khoanh vùng, bảo tồn một số loại cây như: chuối rừng, sim rừng, sơn tra; triển khai khoanh vùng bảo tồn cây: chè dây, cốt toái bổ, ngũ vị tử, lan kim tuyến,...

Trong lĩnh vực du lịch, từ năm 2016 đến nay, nguồn ngân sách huyện và các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch với tổng nguồn vốn 120.051 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện đã thu hút được 25 dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng diện tích 2.065ha, có tổng vốn đăng ký đầu tư 6.633 tỷ đồng. Trong đó có các dự án: Dự án đầu tư khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Hoàng Vũ Măng Đen, khu liên hợp khách sạn và nhà hàng của Công ty TNHH MTV Tất Thành, Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ, Dự án tôn tạo khu vực tượng Đức Mẹ, Chùa Khánh Lâm, tổ hợp nhà hàng và khách sạn của Tập đoàn Sài Gòn Măng Đen, các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp…

Ngoài ra, các loại hình du lịch thương mại, du lịch ẩm thực đang từng bước định hình. Trên địa bàn huyện hiện nay có các sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách như: Măng nứa Kon Plông, tiêu rừng Măng Đen, sơn tra khô, cốt toái bổ khô, sâm dây, gạo lứt Măng Bút, quả chuối rừng Măng Đen, rượu gạo đỏ Măng Đen… Hiện nay, UBND huyện đã đăng ký Cục Sở hữu trí tuệ 22 nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm đặc trưng của huyện và sẽ hoàn thành trong tháng 8/2018 này.

Quang Định

Chuyên mục khác