Phát triển vật liệu không nung ở thành phố Kon Tum: ​Cái khó đang... bó cái khôn

08/05/2017 14:00

​Thời gian qua, trên địa bàn thành phố có 2 cơ sở sản xuất gạch không nung được đầu tư xây dựng (tại phường Trường Chinh và xã Vinh Quang), tuy nhiên, do sản phẩm không tiêu thụ được nên phải tạm thời ngừng hoạt động; 2 dự án sản xuất gạch không nung đã có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh cũng chưa đi vào hoạt động...

Chuyển sang sản xuất gạch không nung à? Biết chứ, được vận động rồi, tôi cũng biết là có lợi nữa, nhưng khó lắm. Kinh phí không có, đầu ra cũng không, cậu bảo sao làm? Người đàn ông nói nhát gừng, rồi quay sang hò hét nhóm thợ bốc gạch ra khỏi lò...

Anh ta là chủ lò gạch này đấy. Lò nằm ngoài quy hoạch, cứ lo nơm nớp bị cưỡng chế di dời nên chỉ cần nhắc đến chuyện này là gắt gỏng. Khổ nỗi, cuộc sống của người ta gắn quá chặt với cái lò gạch thủ công này rồi, bây giờ nói chuyện thay đổi đâu có dễ - anh cán bộ thôn đi cùng tôi giải thích.

Ấy là tôi đang đi thực tế tìm hiểu về kết quả sau 5 năm thực hiện Kế hoạch số 286/KH-UBND, ngày 8/2/2013 của UBND tỉnh về việc phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn thành phố Kon Tum tại địa bàn xã Đăk Blà. Theo báo cáo của UBND xã, trên địa bàn hiện còn 25 cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung với 32 lò thủ công.

Do nhiều nguyên nhân, gạch không nung vẫn chưa tìm được chỗ đứng ở thị trường Kon Tum. Ảnh: T.H

 

Nhìn bóng lưng đen cháy chủ lò đứng giữa những hàng gạch mới ra đỏ hừng hực, anh cán bộ thôn thở dài: Mà cũng không riêng gì anh ta đâu, còn nhiều hộ gia đình nữa cũng đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, tiếp tục làm gạch thủ công là “lì”, là sai quy hoạch, trái chủ trương, phải luôn sẵn sàng tư thế bị dẹp, nhưng nếu chuyển đổi thì không có tiền. Để đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung với công suất 10 triệu viên/năm thì ước cũng cần số vốn khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng, đâu phải những hộ làm gạch nhỏ lẻ này có thể đầu tư. 

Mở rộng ra, theo số liệu thống kê mới nhất của thành phố Kon Tum (đến tháng 4/2017), trên địa bàn thành phố có 194 cơ sở với 367 lò sản xuất, phân bố ở 5 xã, phường, gồm Hòa Bình, Đăk Blà, Kroong, Ngok Bay và Ngô Mây; tổng công suất đạt khoảng 135 triệu viên/năm. Trong đó có 121 cơ sở với 239 lò sản xuất nằm trong quy hoạch và 73 cơ sở với 128 lò nằm ngoài quy hoạch, nhiều nhất là xã Hòa Bình (43 cơ sở với 90 lò) và xã Đăk Blà (25 cơ sở với 32 lò).

Và cũng từ những số liệu thống kê ấy cho thấy một thực tế: sau 5 năm nỗ lực, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, kết quả là thành phố Kon Tum di dời được 13 lò gạch thủ công nằm ngoài quy hoạch, và giảm được... 2 lò gạch thủ công nằm ngoài quy hoạch tại phường Ngô Mây.

Về phát triển gạch không nung, thời gian qua, trên địa bàn thành phố có 2 cơ sở sản xuất gạch không nung được đầu tư xây dựng (tại phường Trường Chinh và xã Vinh Quang), tuy nhiên, do sản phẩm không tiêu thụ được nên phải tạm thời ngừng hoạt động; dự án đầu tư sản xuất gạch không nung của Hợp tác xã Tân Tiến (được hỗ trợ từ nguồn khuyến công Quốc gia) vẫn đang... nằm trên giấy; 2 dự án sản xuất gạch không nung đã có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh cũng chưa đi vào hoạt động.

Thực trạng trên cho thấy, lộ trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn thành phố Kon Tum đang dẫm chân tại chỗ. Hoặc như cách nói của Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum Nguyễn Xuân Ninh là “cái khó đang bó cái khôn”. Vì sao vậy?

Lò gạch nung thủ công ở thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây. Ảnh: T.H

 

Trước hết, cần phải loại bỏ lý do cho rằng, do chưa nhận được sự thống nhất, đồng tình của các hộ gia đình sản xuất gạch nung thủ công. Bằng chứng là, tại Hội nghị tập huấn, hướng dẫn về phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 cho các cơ sở, hộ gia đình đang sản xuất gạch, ngói tại 2 cụm công nghiệp (được tổ chức năm 2015), đa số các hộ sản xuất đều thống nhất với chủ trương, chính sách của nhà nước về phát triển vật liệu không nung đến năm 2020.

Lý do người dân chưa hiểu được ích lợi của việc phát triển vật liệu không nung cũng không nên nhắc tới. Hãy xuống bất cứ một lò gạch nào, tỷ tê hỏi một chút sẽ nghe chủ lò nói vanh vách về hiệu quả của việc sử dụng gạch không nung ở các mặt kinh tế, bảo vệ môi trường...

Khó khăn lớn nhất là kinh phí chuyển đổi sang mô hình sản xuất gạch không nung rất lớn - ông Nguyễn Xuân Ninh xác nhận - dự tính một dây chuyền sản xuất công suất 10 triệu viên/năm cần hàng tỷ đồng. Trong khi đó, đa số hộ gia đình sản xuất gạch thủ công đều ít vốn, chính quyền và ngành chức năng lại chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân chuyển đổi công nghệ.

Một chủ lò gạch ở xã Hoà Bình đã thẳng thắn nói với tôi thế này: Chúng tôi có muốn đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung cũng chịu, bởi biết lấy vốn ở đâu mà làm. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp và dài hạn thì chúng tôi mới có thể thực hiện được - ông Ninh kể.

 Bên cạnh đó, việc chưa có chế tài đảm bảo cho việc triển khai thành công lộ trình cũng khiến cho số phận gạch không nung thêm... long đong. Tháng 5/2015, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, lựa chọn tối thiểu 1 công trình từ cấp 3 trở lên dùng 50% gạch không nung trở lên. Các địa phương đều đăng ký nhưng không thực hiện; các công trình vẫn được xây bằng gạch tuynel và gạch thủ công nhưng không có chủ đầu tư nào bị xử lý.

Theo ông Nguyễn Xuân Ninh, để xóa bỏ những rào cản trên, UBND tỉnh cần có hệ thống cơ chế, chính sách mới, phù hợp với yêu cầu thực tế. Trước hết là việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, gắn với Quy hoạch các vùng nguyên liệu phù hợp với địa phương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014; bố trí ngân sách để hỗ trợ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung thủ công chuyển đổi công nghệ, đầu tư sản xuất gạch không nung hoặc chuyển đổi ngành nghề khác; có chế tài cụ thể bắt buộc việc sử dụng gạch không nung ở các công trình đầu tư từ vốn ngân sách để làm cơ sở cho quá trình quản lý, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư…

Về phía chính quyền địa phương, trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, lộ trình cụ thể. Trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng không nung đảm bảo đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn; tăng cường kiểm soát việc sử dụng gạch không nung qua cấp phép xây dựng; giải tỏa các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công nằm ngoài quy hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường, hoặc vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất gạch nung theo quy định của pháp luật.

          Thành Hưng

Chuyên mục khác