Phát triển thương mại điện tử

03/09/2020 06:02

Trong những năm qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và triển khai phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Việc phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh có những bước chuyển quan trọng, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo ông Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, về hạ tầng  TMĐT, hệ thống mạng lưới viễn thông, internet cáp quang trên địa bàn tỉnh được nâng cấp, mở rộng các nhà mạng đảm bảo hệ thống cung cấp dịch vụ viễn thông và internet có chất lượng cao. Trong đó, 100% cơ quan hành chính nhà nước, 100% doanh nghiệp có trang bị mạng internet tốc độ cao.

Trong quá trình phát triển, việc giao dịch không sử dụng tiền mặt được chú trọng, ngày một phát triển. Trong đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh chủ động khuyến khích các giao dịch không sử dụng tiền mặt. Sự phát triển và ra đời của nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến cũng đáp ứng nhu cầu không sử dụng tiền mặt của người dân và doanh nghiệp.

Công cụ quản lý về TMĐT từ Trung ương tới địa phương được phối hợp chặt chẽ. Công cụ pháp luật minh bạch, rõ ràng trong công tác quản lý về TMĐT đảm bảo theo kịp xu thế phát triển TMĐT trong nước và thế giới. Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân ngày càng tìm hiểu và nghiên cứu về TMĐT, xu thế mua sắm và tiêu dùng thông qua TMĐT ngày một tăng trưởng nhanh chóng.

Cán bộ, công chức giúp người dân thực hiện các dịch vụ qua môi trường mạng. Ảnh: Đ.N

 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 30% người dân thường xuyên sử dụng mua sắm trực tuyến thông qua các ứng dụng trên các thiết bị di động như: Lazada, Shopee, Sendo...; các trang TMĐT bán hàng. Doanh số trong giao dịch TMĐT của các doanh nghiệp tỉnh tăng, đạt khoảng 20% hàng năm. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cách thức tiếp cận thị trường và mua sắm của người dân.

Các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Việc áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT.

Trong quá trình phát triển, hiện có 40% doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch TMĐT, 30% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm; 70% lượt cán bộ doanh nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước, thanh niên khởi nghiệp được tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn về TMĐT. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý điều hành, đầu tư các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị...

Đặc biệt, Sàn giao dịch TMĐT tại địa chỉ www.kontumtrade.gov.vn do Sở Công thương chủ trì tạo một môi trường giao dịch trực tuyến cho cộng đồng doanh nghiệp. Hiện tại, nhiều doanh nghiêp đã và đang tham gia vào sàn giao dịch TMĐT.

Mặc dù vậy, nhưng cũng phải nhận thấy rằng, nguồn nhân lực ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp hiện vẫn còn hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách TMĐT còn thiếu và yếu, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, chú trọng công tác ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Công nghiệp CNTT tại địa phương chưa phát triển, chưa có các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp máy tính, phát triển các phần mềm ứng dụng; các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực CNTT chủ yếu là làm dịch vụ, cung cấp sản phẩm với quy mô nhỏ lẻ...

Trước những yêu cầu đặt ra, UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phấn đấu giai đoạn 2021-2025 thực hiện mục tiêu đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và đại bộ phận các doanh nghiệp; góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.    

Hiện nay, ở các địa phương, 100% các cơ quan quản lý nhà nước có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công cho doanh nghiệp; 100% dịch vụ hành chính công cung cấp trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và UBND các huyện cung cấp trực tuyến đạt mức độ 2; 30% dịch vụ công được cung cấp mức độ 3, 4 theo quy định...

Đào Nguyên

Chuyên mục khác