Phát triển thương mại dịch vụ: Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

12/08/2019 13:01

Theo đánh giá của Sở Công thương, sau khi tỉnh ta được chia tách, hệ thống hạ tầng thương mại lúc đó rất nghèo nàn, yếu kém, nhất là ở vùng nông thôn. Cơ sở hạ tầng xã hội nghèo nàn, lạc hậu, nhất là hệ thống giao thông chính là rào cản kìm hãm sự phát triển của thương mại. Nhưng với những nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân, cùng với những chủ trương đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm; thương mại- dịch vụ của tỉnh Kon Tum từng bước vượt qua khó khăn và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Trong những năm qua, mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển nhanh, đa dạng về ngành nghề bao gồm cả thương nghiệp, nhà hàng ăn uống, dịch vụ. Mạng lưới kinh doanh mở rộng xuống tận cơ sở, địa bàn khu dân cư, tạo thành mạng trung gian kinh tế, làm chức năng giao lưu, trao đổi hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng thương mại được tỉnh chú trọng đầu tư và có bước phát triển rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, góp phần kích cầu sản xuất và tiêu dùng.

Trước hết, hệ thống chợ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động ổn định với 27 chợ dân sinh hiện có, trong đó có 4 chợ hạng II, 23 chợ hạng III, chợ tạm. Đa số các chợ trên địa bàn tỉnh đều phù hợp với quy hoạch, được đầu tư xây dựng tại các vị trí thuận lợi để phát triển và phục vụ tốt nhất nhu cầu mua bán của nhân dân. Kênh mua bán truyền thống này góp phần đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hoá của người dân ngày càng tốt hơn, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của mỗi địa phương trong tỉnh.

Hệ thống kênh mua bán hiện đại cũng dần được hình thành và ngày càng phát triển. Hiện, toàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị tổng hợp và nhiều siêu thị chuyên ngành.

Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ cũng phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận các thôn, làng vùng sâu, vùng xa thực sự là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa trên toàn tỉnh.

Kênh mua sắm hiện đại dần hình thành và ngày càng phát triển. Ảnh: TH

 

Trong tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, trong đó có thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia đầu tư khai thác thế mạnh của tỉnh; các ngành, các địa phương chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân và tổ chức tham gia đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội.

Tiêu biểu như các chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử; ổn định và củng cố vững chắc thị trường tại địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, bảo hộ thương hiệu. Tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ đối với các ngành hàng chủ lực để đưa các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh vào các thị trường trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng, đồng thời tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Với việc tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động thương mại-dịch vụ không ngừng phát triển với tốc độ cao, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 1991-2008, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của lĩnh vực này đạt từ 16- 18%; giai đoạn 2008- 2010 là khoảng thời gian thương mại- dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt từ 31 - 34%/năm. Từ năm 2011, tốc độ tăng trưởng tuy có chậm lại, nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao với mức khoảng 22%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và mức gần 14%/năm trong giai đoạn 2016-2018. Nửa đầu năm 2019, bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này của tỉnh vẫn đạt 8,48%.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh cũng tăng nhanh qua các năm. Nếu như năm 1991 mới đạt 39,835 tỷ đồng thì đến năm 2000 tăng lên 425,57 tỷ đồng, năm 2010 đạt 3.680,53 tỷ đồng, năm 2018 đạt trên 17.000 tỷ đồng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 8.936 tỷ đồng.

Xuất khẩu hàng hóa cũng có những bước tiến đáng kể. Năm 1992 kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh mới chỉ đạt 1,1 triệu USD, đến năm 2011 đã đạt 85 triệu USD và ấn tượng nhất là năm 2018 đạt mức 208 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 57,59 triệu USD.

Thương mại- dịch vụ phát triển đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các ngành sản xuất; đồng thời tạo ra thị trường hàng hóa sôi động, khối lượng hàng hóa lưu thông liên tục tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân. Thương mại-dịch vụ đang từng bước giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của tỉnh.

Thiên Hương

Chuyên mục khác