Phát triển sản xuất từ tiền dịch vụ môi trường rừng

06/09/2022 06:05

Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả, các hộ dân được Nhà nước giao đất, giao rừng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đã xây dựng các mô hình chăn nuôi phù hợp, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. 

Là 1 trong hơn 40 hộ dân ở thôn Đăk Lanh (xã Măng Bút, huyện Kon Plông) được Nhà nước giao đất, giao rừng từ năm 2008 đến nay, ông A Dương thường xuyên cùng các hộ dân khác phối hợp, tổ chức đi tuần tra bảo vệ diện tích rừng. Gia đình ông A Dương tham gia quản lý, bảo vệ 19,6 ha rừng, đều là rừng tự nhiên và hàng năm, gia đình ông được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả hơn 14 triệu đồng.

Từ khi tham gia quản lý, bảo vệ rừng cho Nhà nước, gia đình ông A Dương có thêm nguồn thu nhập ổn định. Ông A Dương cho biết, từ tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả hàng năm, ông dùng trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình, mua quần áo và dụng cụ học tập cho con, cháu; đồng thời, đầu tư mua thêm cây giống, phân bón, để nâng cao chất lượng vườn cây trồng và mua trâu về chăn nuôi.

Đến nay, gia đình ông A Dương trồng lúa, cà phê và bời lời, các loại cây ăn quả với diện tích hơn 1ha. Vườn cây trồng của gia đình ông phát triển xanh tốt. Từ việc sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả, cùng với siêng năng lao động và tiết kiệm, cuộc sống gia đình ông ngày càng ổn định.

Bên cạnh chịu khó phát triển sản xuất, tham gia quản lý, bảo vệ rừng, ông A Dương còn tích cực trong tuyên truyền, vận động bà con dân làng chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Từ sự tuyên truyền của ông, các hộ dân trong thôn Đăk Lanh đã nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, tham gia trồng rừng ở các diện tích đồi, núi trọc và trồng cỏ, làm chuồng để nuôi nhốt trâu, bò…

Tại xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy), những năm qua, anh A Phai- Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 7 luôn tích cực cùng bà con thôn làng bảo vệ tốt diện tích rừng hơn 100ha được UBND huyện Kon Rẫy giao cho cộng đồng thôn và bảo vệ tốt diện tích rừng hơn 15ha Nhà nước giao cho gia đình quản lý, bảo vệ.

Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả và nguồn thu nhập khác tiết kiệm được, anh A Phai đã phát triển thêm mô hình nuôi hươu sao. Ảnh: ĐT

 

Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả và nguồn thu nhập khác tiết kiệm được, hiện nay, anh A Phai đang phát triển kinh tế với việc trồng lúa, mì và cà phê trên diện tích gần 10ha, đồng thời, nuôi 4 con hươu sao trong chuồng nuôi có diện tích khoảng 20m2. Đối với cộng đồng thôn 7, từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả, thôn đã triển khai xây dựng hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời trên tuyến đường chính đi qua thôn và sửa chữa, nâng cấp nhà rông.

Anh A Phai cho hay, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại nhiều lợi ích, giúp các hộ dân trong thôn đỡ khó khăn về mặt tài chính và đóng góp cho xây dựng nông thôn mới tại thôn.

Ông Nguyễn Tấn Phát- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy cho biết, để người dân sử dụng hiệu quả nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc sử dụng nguồn tiền tại các địa phương, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND các xã niêm yết công khai danh sách người dân, cộng đồng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, để người dân nắm và giám sát. Từ đó, giúp việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đúng mục đích và hiệu quả.

Có thể thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ tạo ra bước đột phá, hiệu quả trong hoạt động bảo vệ rừng, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có (cả về số lượng, chất lượng) và phát triển rừng mới, mà còn giúp người dân, cộng đồng các thôn là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ chính sách cải thiện được sinh kế, thay đổi diện mạo khu dân cư và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.     

Đức Thành

Chuyên mục khác