Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

29/10/2017 07:03

​Cùng với cả nước thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, các ngành, các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, nhất là sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương.

Để tìm hiểu sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chúng tôi đi về nhiều thôn làng ở các địa phương. Trên cơ sở phát phát huy tiềm năng và cây trồng lợi thế ở địa phương, tại làng BarGốc, xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy), nhiều hộ dân được huyện hỗ trợ trồng cây sa nhân dưới tán rừng.

Nhìn cây sa nhân đang phát triển tốt, A Rứ phấn khởi cho biết, năm nay, được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật, gia đình tôi trồng 2ha sa nhân dưới tán rừng mình nhận khoán. Cây sa nhân đang sinh trưởng tốt. Mình rất mừng và hy vọng cây sa nhân giúp gia đình có thêm thu nhập để nâng cao đời sống.

Cây chuối trồng trên vườn đồi ở xã Đăk Tơ Lung. Ảnh: V.N

 

Ở xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy), nhiều hộ gia đình được huyện hỗ trợ phát triển mạnh cây chuối, nghệ... có thu nhập khá cao. Ông A Hùng ở thôn 7, khoe: Được huyện hỗ trợ, năm 2016, gia đình trồng 2 sào nghệ. Cây nghệ phù hợp với đất đai ở địa phương, sinh trưởng tốt. Năm ngoái cũng trồng 2 sào nghệ, gia đình thu được gần 30 triệu đồng. Năm nay, gia đình tiếp tục trồng nghệ. Trồng nghệ cho hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác.

Ở các xã vùng Đông Trường Sơn huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, người dân đang phát triển mạnh cây cà phê chè xứ lạnh như cà phê catimor, TN1. Cây cà phê xứ lạnh đang mở hướng giảm nghèo và giúp người dân nâng cao đời sống.

Trao đổi với chúng tôi, ông A Nhiêng, thôn La Loa, xã Đăk Choong (Đăk Glei) phấn chấn: Được tỉnh và huyện hỗ trợ, gia đình tôi tham gia trồng 2 sào cà phê xứ lạnh. Năm 2016 vừa qua, gia đình thu bói 3 tấn cà phê và bán trên 20 triệu đồng. Trồng cà phê xứ lạnh có hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp được xem là khâu trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Về trồng trọt, năm 2017 tỉnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù của địa phương như: Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại tỉnh Kon Tum; rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, thời tiết nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất; Đề án chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất lúa thiếu nước vụ đông xuân; Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Dự án ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng tái canh cây cà phê vối bền vững tại tỉnh Kon Tum; Đề án phát triển cà phê xứ lạnh... 

Cây đương quy ở Măng Đen. Ảnh: V.N

 

Thực tế sản xuất nổi lên một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất cà phê vối; mô hình sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng; mô hình sản xuất rau sạch; mô hình trồng sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm dưới tán rừng; mô hình phát triển cây dược liệu...

Về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả Phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020; nuôi trồng thủy sản trên ao, hồ. Qua thụ tinh nhân tạo, đàn bò lai có vóc dáng cao to, phát triển nhanh. Việc nuôi cá, đặc biệt là nuôi cá trên các hồ chứa lớn như Ya Ly, Plei Krông giúp nhiều hộ có thu nhập cao. Việc nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) ở Măng Đen (huyện Kon Plông) tiếp tục được duy trì.

Sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương đang tiếp tục tạo ra chuyển biến mới trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người dân nông thôn.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác