Phát triển sản phẩm OCOP thực chất, bền vững

20/03/2024 14:07

Những năm qua, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân, trở thành động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập.

Với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thời gian qua, các địa phương đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ chương trình OCOP như cấp vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên liệu chất lượng cao, xây dựng hệ thống chuẩn hóa và kiểm tra chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nên chương trình đã thu hút được nhiều chủ thể tham gia và ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 208 sản phẩm OCOP còn hiệu lực. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng về chủng loại và hầu hết là những sản phẩm chủ lực, đặc trưng của các địa phương.

Nhiều địa phương quan tâm phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: T.H

 

Từ việc sản xuất sản phẩm OCOP đã góp phần làm thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sức bật cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Dù có được những kết quả tích cực, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển sản phẩm OCOP còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự đảm bảo tính bền vững.

Thực tế cho thấy, mặc dù số lượng OCOP phát triển nhanh, nhưng về mặt chất lượng thì các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều vấn đề.

Các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng đa số là các sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm mới, có tiềm năng gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến, nhiều sản phẩm bị trùng lắp, na ná nhau. Chất lượng sản phẩm OCOP không cao, hầu hết các sản phẩm OCOP chỉ đạt ở mức 3 sao hoặc 4 sao, toàn tỉnh chỉ có 1 sản phẩm 5 sao.

Một số sản phẩm mang tính thời vụ, chưa qua chế biến nên thời gian bảo quản, tiêu thụ ngắn, khó mở rộng thị trường; chưa được chú trọng về mẫu mã, bao bì, chất lượng nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, giá thành cao, chưa đáp ứng được yêu cầu về sản lượng hàng hóa của các hệ thống phân phối. Cùng với đó, đa số các chủ thể OCOP chưa chủ động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng nên sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, chủ thể không duy trì được sản xuất.

Số lượng sản phẩm OCOP vào được các kênh tiêu thụ hiện đại còn khiêm tốn. Ảnh: TH

 

Một trong những điểm đáng chú ý là sự biến mất của nhiều sản phẩm OCOP trong bảng xếp hạng bởi sản phẩm bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc hết thời hạn công nhận.

Thời gian qua, có 3 sản phẩm bị thu hồi giấy chứng nhận OCOP; 80 sản phẩm hết thời hạn công nhận sản phẩm OCOP, trong đó, có 13 sản phẩm đã tham gia phân hạng và được công nhận lại, còn lại 67 sản phẩm chưa được chủ thể đề nghị đánh giá lại.

Do đó, cùng với việc gia tăng số lượng sản phẩm thì việc duy trì, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và các kênh tiêu thụ ổn định là điều cần thiết để sản phẩm OCOP phát triển một cách bền vững.

Vấn đề này cũng đã được các cấp, các ngành của tỉnh nhìn nhận và đề ra nhiều giải pháp khắc phục.

Theo đó, tại Kế hoạch số 718/KH-UBND ngày 2/3/2024 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum năm 2024; UBND đặt ra yêu cầu tiếp tục đánh thức tiềm năng của các địa phương, phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Mục tiêu đề ra là phấn đấu đến cuối năm 2024 toàn tỉnh có ít nhất 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có thêm ít nhất 50 sản phẩm đạt từ 4 sao trở lên. Đồng thời, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận sao OCOP. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó, ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Phấn đấu khoảng 50% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có ít nhất 30-50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); tiếp tục củng cố, nâng cấp 1 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của tỉnh, phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Giải pháp trọng tâm là tập trung phát triển các sản phẩm có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu của địa phương, văn hóa và tri thức bản địa nhằm phát huy nội lực, sức sáng tạo, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

OCOP là một chương trình có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên, để chương trình hiệu quả, bền vững, cần có sự nỗ lực của cả chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và sự chung tay của cả người nông dân.    

Thiên Hương

Chuyên mục khác