Phát triển sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông: Gian nan phát triển diện tích và bảo vệ thương hiệu

22/12/2016 14:03

Khó khăn về giống, thiếu đất đang là thách thức cho Tu Mơ Rông phát triển diện tích sâm Ngọc Linh. Không những thế, tình trạng sâm giả trà trộn đã và đang làm cho công tác bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh ngay tại thánh địa sâm gặp nhiều khó khăn…

Kì 1: Dân gặp khó khi phát triển diện tích sâm Ngọc Linh

Khi dân bắt đầu hiểu giá trị của sâm Ngọc Linh và muốn phát triển thì lại gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là không có đất, thiếu giống… Đồng bào dân tộc Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông đang loay hoay tìm hướng để phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Khi hiểu thì đất không có, giống khan hiếm

Tu Mơ Rông là thủ phủ của sâm Ngọc Linh. Bằng chứng là mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã công nhận chỉ dẫn địa lý bản chính cho sản phẩm sâm củ ở vùng Măng Ri và Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông.

Việc sản phẩm sâm Ngọc Linh được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý mở ra cho tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Tu Mơ Rông nói riêng nhiều triển vọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là cơ hội để giá trị sâm Ngọc Linh được nâng lên.  

Tuy nhiên, theo thông tin từ huyện Tu Mơ Rông, diện tích sâm Ngọc Linh phát triển trong những năm qua còn hạn chế về diện tích và đối tượng trồng. Diện tích sâm Ngọc Linh hiện nay trên địa bàn chủ yếu là của các doanh nghiệp.

Nhiều hộ dân sống quanh khu vực có điều kiện phát triển cây sâm Ngọc Linh có nguyện vọng trồng sâm Ngọc Linh để nâng cao thu nhập nhưng gặp khó khăn về các nguồn lực như giống, kinh phí và đặc biệt là diện tích rừng dưới tán rừng không có để phát triển. Do đó, diện tích sâm Ngọc Linh trong dân hiện nay còn quá ít.

Nguồn giống khó khăn bởi sâm Ngọc Linh tự nhiên gần như cạn kiệt, giống do dân tự nhân giống hay nguồn từ các đề tài khoa học cũng rất hạn chế. Còn nguồn giống từ các công ty, doanh nghiệp hiện mới chủ yếu đáp ứng nhu cầu của đơn vị, chưa đủ đáp ứng nhu cầu về giống để người dân trồng.

Hiện nay, người trồng sâm Ngọc Linh chủ yếu do họ tự nhân giống phục vụ cho gia đình, số khác thì đi mua giống ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam)…

Một khó khăn nữa là giờ đây khi người dân đã hiểu và mong muốn phát triển sâm Ngọc Linh thì diện tích đất rừng lại không có để trồng. Mặc dù mới đây, qua khảo sát diện tích có thể trồng sâm trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông là 8/11 xã với diện tích lên đến hàng ngàn héc ta.

Vườn sâm Ngọc Linh của Công ty CP Sâm Ngọc LInh tại xã Măng Ri. Ảnh: V.P

 

Diện tích có thể trồng sâm được trên địa bàn Tu Mơ Rông tương đối lớn, tuy nhiên, hầu hết diện tích dưới tán rừng có thể trồng được sâm Ngọc Linh lại thuộc lâm phần quản lý của các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông, vì vậy người dân muốn trồng thì lại không có đất dưới tán rừng để trồng. Đó chính là vấn đề khiến cho Tu Mơ Rông gặp khó khăn trong việc phát triển diện tích sâm Ngọc Linh trong đồng bào DTTS tại địa bàn.

Đi tìm giải pháp

Trước thực trạng khó khăn về giống, diện tích đất rừng, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã và đang tìm hướng để giải quyết khó khăn trên.

Mới đây, huyện Tu Mơ Rông đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét giao một phần rừng và đất rừng thuộc các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây về cho địa phương để giao cho dân quản lý trồng và phát triển sâm Ngọc Linh.

Theo khảo sát, hiện tại 3 xã này vẫn còn trên 2.000ha diện tích đất rừng chưa được khai thác trồng sâm, nhưng do các công ty, Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.

Ngoài ra, huyện Tu Mơ Rông cũng đang đề nghị tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, hàng năm dành một phần ngân sách tỉnh cùng với các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác để hỗ trợ nguồn lực cho nhân dân để phát triển bảo vệ cây dược liệu này.

Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Thời gian gần đây, đồng bào Xê Đăng đã thấy được hiệu quả của cây dược liệu sâm Ngọc Linh trong phát triển kinh tế nên muốn đầu tư để trồng loại cây này, nhưng đất rừng đã giao cho các doanh nghiệp quản lý, không có đất cho bà con trồng.

Vì vậy, huyện đã đề nghị tỉnh xem xét giao một phần diện tích rừng về địa phương để giao cho dân quản lý và trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Điều đó vừa giúp người dân nêu cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, vừa được hưởng lợi nhiều sản vật từ rừng, góp phần nâng cao đời sống – ông Mười cho biết thêm.

Hiện nay, để phát triển sâm Ngọc Linh theo tinh thần của Quyết định số 269/QĐ-UBND, ngày 17/4/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012-2020 tầm nhìn đến năm 2025, huyện Tu Mơ Rông đang tiến hành xây dựng Đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác.

Tuy nhiên, nếu không có đất rừng và nguồn giống thì đề án khó trở thành hiện thực và muốn phát triển bền vững thì phải có sự tham gia của chính cộng đồng người dân địa phương. Đó là băn khoăn, trăn trở của chính quyền và người dân Tu Mơ Rông trong phát triển sâm Ngọc Linh.

Gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển diện tích sâm Ngọc Linh trong dân, huyện Tu Mơ Rông cũng đã có một số giải pháp khắc phục. Huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện phối hợp cùng UBND các xã tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì và chăm sóc diện tích sâm hiện có, nhằm tạo nguồn giống để mở rộng diện tích cho các năm tiếp theo.

Đồng thời lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình chính sách để hỗ trợ giống cho nhân dân trồng sâm Ngọc Linh và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư phát triển, quản lý vùng dược liệu quý sâm Ngọc Linh trên địa bàn và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch…

Huyện Tu Mơ Rông phấn đấu, đến năm 2020 đưa tổng diện tích cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện đạt 500ha (trồng phân tán). Trong đó, phối hợp với các doanh nghiệp để phát triển 475ha; hỗ trợ nhân dân xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ phát triển 25ha tại địa bàn 7 xã là xã Đăk Na, Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tu Mơ Rông. Để đạt được điều đó, Tu Mơ Rông rất cần có sự hỗ trợ của tỉnh, của  trung ương...

Văn Phương

Chuyên mục khác