14/03/2024 13:23
Tại huyện Đăk Hà, thời gian qua, chính quyền địa phương tích cực vận động, hướng dẫn phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi những loại cá có giá trị kinh tế cao như diêu hồng, chình, bống tượng để cung ứng cho thị trường trong tỉnh và phục vụ xuất khẩu.
Hiện, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Đăk Hà là 316ha, sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 4.800 tấn/năm. Cùng với việc ổn định diện tích nuôi trồng, người dân trên địa bàn huyện tích cực triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống mới, chế phẩm sinh học, máy quạt nước để nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, một số hộ dân tại xã Đăk Mar còn triển khai mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao CPF - mô hình khép kín, hạn chế được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
|
Huyện Ngọc Hồi là một trong những địa phương của tỉnh chú trọng khai thác lợi thế mặt nước ao hồ, lòng hồ các công trình điện, thủy lợi có sẵn để phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản.
Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi tiến hành hỗ trợ, hướng dẫn người dân triển khai nhiều mô hình nuôi cá theo hướng an toàn, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá để nâng cao thu nhập. Đến nay, huyện Ngọc Hồi có 375ha nuôi trồng thủy sản. Cùng với phát triển nuôi trồng, hằng năm, địa phương này tăng cường thả cá giống vào các lòng hồ thủy điện, thủy lợi lớn nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 930ha. Toàn tỉnh có 317 lồng, bè nuôi thủy sản. Trong đó, huyện Ia H’Drai có số lượng lồng nuôi nhiều nhất với 112 lồng, tiếp đến là huyện Đăk Hà với 70 lồng, huyện Sa Thầy có 45 lồng, huyện Kon Plông có 32 lồng, thành phố Kon Tum có 27 lồng, huyện Đăk Tô có 23 lồng, huyện Kon Rẫy có 6 lồng và huyện Ngọc Hồi có 2 lồng. Các loại thủy sản được nuôi nhiều nhất là cá trắm cỏ, rô phi, diêu hồng, cá lóc, cá chép, cá trê, cá mè, cá lăng. Tổng sản lượng đánh bắt, khai thác thủy sản năm 2023 đạt khoảng 8.158 tấn. Hầu hết hộ nuôi cá lồng, bè đều có liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm nên khá thuận lợi về đầu ra, tạo ra nhiều việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi.
|
Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai xây dựng một số mô hình khuyến ngư, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật, đặc biệt khuyến khích các tổ chức, cá nhân nuôi các loại thủy sản là đặc sản có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch để cải thiện sinh kế, đa dạng nguồn thu cho người dân.
Đến nay, một số địa phương, đơn vị của tỉnh bước đầu đã xây dựng được những mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch như mô hình nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến ẩm thực phục vụ du lịch làng chài xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, du lịch lòng hồ Yaly tại thành phố Kon Tum và huyện Sa Thầy.
Theo kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với khai thác, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022- 2030 và định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1.500ha; tổng sản lượng thủy sản 10.600 tấn, trong đó, nuôi trồng thủy sản đạt 8.600 tấn, sản lượng thủy sản khai thác 2.000 tấn; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt trên 10%/năm. Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 11.500ha, trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản ao hồ nhỏ đạt 1.500ha, diện tích nuôi trồng thủy sản mặt nước lớn (hồ chứa thủy lợi, thủy điện) đạt khoảng 10.000ha, tổng số lồng, bè nuôi khoảng 2.000 lồng, sản lượng 8.000 tấn/năm; tổng sản lượng thủy sản 42.000 tấn, trong đó, nuôi trồng thủy sản đạt 37.000 tấn, sản lượng thủy sản khai thác 5.000 tấn; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt trên 10%/năm.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp và các địa phương của tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển nghề nuôi thủy sản, nhất là các đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như: ba ba, ếch, lươn, cá chình, bống tượng, lăng nha, lóc, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chế biến. Đồng thời, tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với chế biến ẩm thực phục vụ du lịch tại những địa phương có điều kiện lợi thế như huyện Ia H’Drai, thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Thiên Hương