Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

02/01/2023 06:04

Trong năm 2022, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương cơ sở và sự nỗ lực của người dân, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã gặt hái được những kết quả quan trọng, tiếp tục đóng vai trò là ngành chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương.

Theo đó, tổng sản phẩm xã hội của ngành (GRDP) đạt hơn 17.627 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tổng giá trị tăng thêm của ngành đạt 5.907 tỷ đồng, bằng 107,41% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tập trung chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo trồng. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giám sát, phòng trừ kịp thời, hiệu quả sâu bệnh hại. Kết quả, tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng chính đạt 197.994 ha (tính cả diện tích cây dược liệu), đạt 102,5% kế hoạch và bằng 104,7% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 118.965,6 tấn. Một số chỉ tiêu cây trồng đạt và vượt kế hoạch đề ra, như tổng diện tích cây cao su 77.491,9ha (đạt 102%), diện tích cây ăn quả 9.423,23ha (đạt 100,51%), diện tích cây mắc ca 2.326,7ha (đạt 106,5%), diện tích cây sâm Ngọc Linh 1.749,59ha (đạt 100,5%), diện tích cây dược liệu khác 5.119,63ha (đạt 109,8%).

Đến nay, toàn tỉnh có 157 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận đạt 3 sao trở lên. Ảnh: Đ.T

 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, với tâm thế chủ động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, địa phương có liên quan triển khai kịp thời tiêm vắc-xin phòng ngừa cho đàn vật nuôi trên diện rộng, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học và thực thi các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, giúp các địa phương phát hiện, xử lý kịp thời, cơ bản khống chế được các dịch bệnh động vật và phát triển chăn nuôi ổn định. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh phát triển đàn gia súc 274.500 con (đạt 100% kế hoạch), diện tích nuôi trồng thủy sản ao hồ nhỏ khoảng 844 ha (đạt 104,8%) và có 142 cơ sở, hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại.

Theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm, các sản phẩm chủ lực của tỉnh, cây dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ tiếp tục được chú trọng phát triển. Công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần hỗ trợ người dân, nhất là người dân ở vùng DTTS tiếp cận được những biện pháp kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm cả về số vụ, khối lượng gỗ vi phạm và diện tích thiệt hại so với cùng kỳ năm trước. Công tác trồng và phát triển rừng vượt chỉ tiêu đề ra với 5.260,92ha rừng trồng mới (đạt116,9% kế hoạch) và trồng 1.586.795 cây phân tán (đạt 263,7%).

Công tác phát triển nông thôn tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn và chất lượng cuộc sống của người dân. Trong năm, toàn tỉnh thành lập mới 39 hợp tác xã nông nghiệp (đạt 139% kế hoạch), nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh lên 165 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã.

Diện mạo xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) khởi sắc nhờ triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đ.T

 

Thực hiện Chương trình bố trí sắp xếp dân cư theo Quyết định 590/QĐ-TTg, ngày 18/05/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, tại huyện Ia H’Drai, đã có 37/68 điểm dân cư được quy hoạch chi tiết và sắp xếp, ổn định đời sống cho 542 hộ/1.562 nhân khẩu. Tại huyện Sa Thầy, đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện các nội dung theo quy định đối với Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giãn dân tại làng Xộp (xã Mô Rai). Tại thành phố Kon Tum, đã thẩm định Đề án tổng thể giãn dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong nội thành thành phố Kon Tum, gắn với tái định canh, tái định cư khi thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Năm 2022, tình hình thời tiết, thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên, với tâm thế chủ động, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương cơ sở liên quan, triển khai kịp thời các biện pháp cấp bách trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhanh chóng ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Triển khai các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay, toàn tỉnh đã có 41 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó, có 36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao). Có 157 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận đạt 3 sao trở lên và tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92%.

Các dự án, như hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Kon Tum (ADB9); bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025; KfW10; VnSat…tiếp tục được triển khai đúng quy định, qua đó, hỗ trợ người dân vùng nông thôn phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai và bảo vệ, phát triển rừng.

Bà Y Hằng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ngành từ Trung ương đến địa phương, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 06-NQ/ĐH, ngày 30/9/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI và Nghị quyết 18-NQ/TU, ngày 2/12/2022 của Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và đáp ứng thị trường tiêu thụ. Tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; cải thiện nhanh đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển ổn định diện tích cây cà phê, cao su, mì phục vụ công nghiệp chế biến. Tập trung phát triển nhanh và mạnh diện tích cây ăn quả, cây sâm Ngọc Linh và dược liệu khác; đưa chăn nuôi đàn gia súc (bò, heo) là mũi nhọn của tỉnh; đẩy nhanh trồng rừng sản xuất, quản lý và bảo vệ rừng bền vững. Qua đó, tiếp tục phát huy vai trò là ngành chủ lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội của địa phương.

Đức Thành

Chuyên mục khác