Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững

15/06/2024 06:20

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nông, lâm nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng, trụ cột trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Với chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao mở ra cơ hội, điều kiện để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Những năm qua, xác định rõ các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và từng khu vực, tỉnh ta chú trọng đầu tư, khuyến khích phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các loại cây trồng chủ lực; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, áp dụng các quy trình canh tác an toàn, hữu cơ, nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu. Từ đó, sản xuất nông nghiệp chuyển dần từ nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô hàng hóa, có chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C. Từ đó, “bức tranh” nông nghiệp có những bước khởi sắc.

Ngành nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Ảnh: T.H

 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh 16.878,0ha cây trồng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; trong đó, cây công nghiệp là 14.760,5 ha; cây ăn quả là 1.363,3ha; rau, hoa, củ quả, dược liệu là 754,2ha. Diện tích áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất chất lượng cao đạt gần 800ha. Toàn tỉnh đã xây dựng được 25 mã số vùng trồng với diện tích gần 400ha cây trồng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ  nội địa. Hiện tại, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt 13 mã số vùng trồng. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và huyện Đăk Hà.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi từng bước được phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, liên kết chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có 59 trang trại, hộ chăn nuôi công nghệ cao áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín; 33 chuỗi liên kết một số khâu trong hoạt động sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm triển khai các hoạt động quảng bá, kêu gọi và thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư đến thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn và đã có một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi công nghệ cao như Tập đoàn TH, Tập đoàn Lộc Trời.

Phát huy tiềm năng các hồ chứa lớn công trình thủy lợi, thủy điện tại các huyện Ia H'Drai, Sa Thầy, Đăk Hà, Kon Plông, những năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh có bước phát triển. Cùng với việc đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, các địa phương tích cực tổ chức  sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện toàn tỉnh có 317 lồng, bè nuôi thủy sản, xây dựng 1 liên kết nuôi trồng thủy sản.

Trong lĩnh vực thủy sản, khuyến khích nuôi thương phẩm ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: TH

 

Theo Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nông nghiệp được xác định một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với đường hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng.

Mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp mà  tỉnh đề ra là theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao với các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng, sản lượng lớn; gắn kết với các ngành khác nhằm tạo lập sự hỗ trợ lẫn nhau về cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, máy móc, vật tư; gắn với phát triển nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của nông dân, tạo nhiều việc làm, giảm nghèo bền vững; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về phát triển nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đề ra những giải pháp cụ thể. Đó là phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển canh tác nông nghiệp hữu cơ; phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt tập trung phát triển nông sản thế mạnh, đẩy mạnh tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp quốc gia; phát triển nhóm sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị chủ lực. Đối với lĩnh vực chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp, tập trung; tổ chức, cơ cấu lại sản xuất ngành chăn nuôi gắn với thị trường; phát triển sản phẩm chăn nuôi có lợi thế, có giá trị gia tăng cao; hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ trang trại đến bàn ăn; khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu nông sản, phụ phẩm; phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Đồng thời, phát triển nuôi thủy sản theo hướng đa dạng sinh học, đưa vào nuôi trồng các loài mới, giống giá trị cao; khuyến khích chăn nuôi thương phẩm ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, chế biến sâu; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi.

Mục tiêu, định hướng cụ thể được đề ra trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo tiền đề để lĩnh vực nông nghiệp có những bước chuyển mình mới hơn, thu hút đầu tư để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.      

Thiên Hương

Chuyên mục khác