Phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu

30/06/2022 06:11

Với nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, những năm qua, các cấp, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu trong tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, thu hút doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết giá trị. Qua đó, từng bước đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa và ngày càng đi vào chiều sâu.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với chính quyền các địa phương đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều nội dung như: Khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tăng cường sản xuất sản phẩm nông sản an toàn; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân; đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 7.919 ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao với các cây trồng chủ yếu là rau, củ, quả, cà phê, cây ăn quả; xây dựng được 13.746,1ha cánh đồng mẫu lớn; phát triển được 142 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín có hệ thống làm mát về mùa hè và sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió, có hệ thống xử lý chất thải tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn về chăn nuôi; xây dựng được 34 chuỗi liên kết, trong đó có 22 chuỗi liên kết chăn nuôi heo, 9 chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm, 2 chuỗi liên kết thức ăn, 1 chuỗi liên kết thủy sản.

Thời gian qua, các ngành, địa phương tích cực thu hút và tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến nông sản hoạt động. Ảnh: TH

 

Tỉnh và các địa phương tăng cường thu hút đầu tư và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến với 29 cơ sở có quy mô  vừa, trong đó, có, 8 nhà máy chế biến mì, 12 nhà máy chế biến cao su, 1 nhà máy chế biến đường mía, 3 cơ sở chế biến cà phê, 2 cơ sở chế biến dược liệu, 2 cơ sở chế biến nước giải khát, 1 cơ sở chế biến trái cây sấy và một số các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp cũng gặt hái được nhiều thành công. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 127 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực này. Các hợp tác xã chú trọng vào việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã, tạo ra số lượng hàng hoá đủ lớn phục vụ nhu cầu thị trường.

Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được mở rộng. Ảnh: TH

 

Việc xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô, hiện đại gắn với chế biến là nhân tố mới tạo đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, tác động tích cực đến nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và nhân dân về phát triển nông nghiệp trong tình hình mới. Đồng thời, tạo ra thay đổi về phương thức tổ chức sản xuất, chú trọng áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, qua đó khắc phục một phần tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng, năng suất, hiệu quả thấp.

Theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu mà tỉnh ta đặt ra là đưa ngành nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp ngày càng cao cho tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh. Trong đó, nội dung quan trọng là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời với phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế của từng địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế- xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh...

Theo đó, cùng với việc duy trì ổn định vùng nguyên liệu mì, cao su, cà phê... tiếp tục mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu, hình thành các vùng chuyên canh đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho chế biến, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu đối với các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế như cây ăn quả, dược liệu chăn nuôi bò sữa. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác đạt 25.000 ha, trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia; diện tích cây ăn quả khoảng 15.000 ha, diện tích cây mắc ca 5.000 ha. Đầu tư phát triển hình thành vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung ổn định có chất lượng đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, có ít nhất 3 nhà máy chế biến gỗ với công suất 200.000 m3/năm. Quy mô đàn gia súc của tỉnh tăng bình quân khoảng 3%/năm, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.700 ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 5.000 tấn. Đẩy mạnh đầu tư nâng cấp, đổi mới và nâng cao năng lực các cơ sở chế biến hiện có, thu hút, xây dựng các cơ sở chế biến sâu, chế biến tinh các sản phẩm nông sản; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25% - 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Có thể nói, việc xây dựng và phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo chiều sâu sẽ khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; tạo ra bước đột phá về năng suất và chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Đây là cơ sở đảm bảo phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, từng bước đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. 

Thùy Hương

Chuyên mục khác