Phát triển nông nghiệp bền vững ở Sa Thầy

13/07/2021 06:01

Ngày 6/9/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sa Thầy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 6/9/2016 về phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Qua 5 năm triển khai thực hiện đã đem lại hiệu quả tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02- NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sa Thầy, UBND huyện Sa Thầy chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng, ban hành Đề án phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện Sa Thầy giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 69/QĐUBND ngày 9/1/2017); đồng thời, xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai; tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết, Đề án, đồng thời vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Bà Tạ Thị Diệu - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy cho biết: Trên cơ sở quy hoạch và điều kiện thực tế, lợi thế so sánh của từng địa phương, huyện Sa Thầy đã cụ thể hoá bằng việc quy hoạch sử dụng đất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; xác định các diện tích cây trồng cần chuyển đổi để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Quy hoạch các nhóm cây trồng chủ lực phát triển theo từng vùng sinh thái, thích hợp với từng loại cây trồng như cà phê vùng Hơ Moong, Sa Nghĩa, Sa Bình; cao su vùng Mô Rai, Ya Tăng, Ya Ly, Ya Xiêr; các loại cây dược liệu (sa nhân tím, sâm cau) ở Sa Sơn, Hơ Moong; quy hoạch các làng đánh bắt cá lòng hồ thủy điện ở các xã Hơ Moong, Ya Ly, Ya Tăng, Ya Xiêr; mô hình sản xuất lúa công nghệ cao với diện tích khoảng 200ha tại địa bàn các xã Sa Nhơn, Sa Nghĩa và thị trấn Sa Thầy; quy hoạch đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm cơ sở thu hút đầu tư, định hướng cho doanh nghiệp và nhân dân đầu tư, phát triển sản xuất.

Nông dân xã Hơ Moong trồng mì cao sản xen canh cây cao su. Ảnh: Q.Đ

 

Trong 5 năm qua, huyện Sa Thầy tích cực triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp với tổng số vốn gần 2.836 tỷ đồng; trong đó, Công ty TNHH ĐT-PT -SX An Phú 74,7 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng Tài Lộc Kon Tum 24,575 tỷ đồng, Công ty TNHH Ngọc Thiên Phú Kon Tum 31,868 tỷ đồng, Tập đoàn TH 2544,487 tỷ đồng...

Để định hướng, khuyến khích nông dân đổi mới sản xuất, áp dụng khoa học- kỹ thuật vào quá trình sản xuất, chăn nuôi, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, huyện Sa Thầy huyện bố trí từ nguồn ngân sách hơn 4,96 tỷ đồng để xây dựng các mô hình trình diễn, như mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng; mô hình trồng cà phê xen cây đinh lăng; mô hình trồng bơ xen đinh lăng; mô hình trồng thuần cà phê vối; mô hình trồng rau an toàn theo hướng Viet Gap... 

Điểm nổi bật trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững ở huyện Sa Thầy thời gian qua là các giống cây trồng mới, cho năng suất, chất lượng cao, giống ngắn ngày được các doanh nghiệp và bà con nông dân áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, như lúa chất lượng cao Bắc thơm số 9, Đài Thơm 8, RVT, HT1, Nông ưu 28, Nghi Hương 2308; giống cao su Pb260, Pb312, Pb255; cây cà phê TRS4, TR6, TR9; ngô lai DK 989, DK6919, LVN10; sản xuất rau an toàn trong nhà lưới và theo hình thức thủy canh; các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mít ghép Thái, xoài ghép Thái Lan; các  loại cây dược liệu như đinh lăng, nghệ vàng, sa nhân tím...

Ứng dụng khoa học- kỹ thuật, từng bước cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất nhằm đưa sản xuất nông nghiệp phát triển thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đại phương là hướng đi huyện Sa Thầy đã và đang thực hiện.

Trong chăn nuôi, người dân huyện Sa Thầy từng bước ứng dụng công nghệ khép kín làm mát chuồng trại, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường bằng công nghệ khí sinh học (biogas), thực hiện nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo... Ngành nông nghiêp huyện tiến hành thụ tinh nhân tạo cho 301 con bò cái nền, đã có 163 con bê lai được sinh ra. Trong nuôi trồng thủy sản, mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện, bà con nuôi cá thát lát cườm, diêu hồng, cá lóc bông với 33 lồng nuôi/600m2 diện tích mặt nước, năng suất đạt 1,8tấn/lồng nuôi (3x6x6m), mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo số liệu thống kê, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp năm 2021 của huyện Sa Thầy đạt trên 28.000 ha (tăng gần 1.000 ha so với năm 2017). Diện tích cây hàng năm kém hiệu quả, giảm dần, đồng thời tăng diện tích cây lâu năm; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su, mì, cây ăn quả. Đã chuyển đổi được 180ha đất trồng lúa thiếu nước tưới, kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Diện tích cây ăn quả tăng nhanh,  đến nay toàn huyện có gần 600 ha cây ăn quả các loại.

Ngành chăn nuôi có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, trang trại, tập trung và hình thành một số mô hình chăn nuôi liên kết có hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tổng đàn bò của huyện Sa Thầy đã vượt trên 9.000 con, đàn gia cầm trên 120.000 con.

Nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Sa Thầy phát triển theo đúng định hướng, khai thác được lợi thế nuôi trồng thủy sản từ diện tích mặt nước sẵn có trên địa bàn từ các ao hồ, sông suối sẵn có. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của địa phương liên tục tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Cụ thể, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ao hồ đến nay đạt trên 90 ha; sản lượng thủy sản đạt khoảng 800 tấn năm 2021, trong đó sản lượng khai thác tự nhiên đạt 405 tấn, nuôi trồng đạt 395 tấn.

Ông Nguyễn Kim Thái - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy khẳng định, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngành nông nghiệp huyện Sa Thầy có bước phát triển đột phá, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch, gắn liền với thị trường và công nghiệp chế biến như cao su, sắn. Việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng; tích cực cải tạo vật nuôi, lai hoá đàn bò, tăng tỷ trọng các loại giống mới thay thế giống bản địa; thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.   

Quang Định

Chuyên mục khác