Phát triển mỗi xã một sản phẩm - “đòn bẩy” kinh tế

02/04/2019 13:05

Trước đòi hỏi của sự phát triển kinh tế-xã hội, UBND tỉnh có Quyết định số 1392/QĐ-UBND ngày 12/12/2018 ban hành Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là “đòn bẩy” tạo ra giá trị gia tăng các sản phẩm lợi thế ở địa phương và góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới.

Kinh nghiệm từ trong nước và nước ngoài

Theo ông Trần Văn Chương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để ban hành đề án này, tỉnh tham khảo kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển kinh tế khu vực nông thôn qua phong trào “mỗi làng một sản phẩm”.

Phong trào “mỗi làng một sản phẩm” khởi phát từ năm 1979 tại làng Oyama, tỉnh Oita (Nhật Bản) để đưa nông nghiệp tăng trưởng và phát triển. Phong trào dựa trên ba nguyên tắc chính: Một là “từ địa phương tiến ra toàn cầu”; hai là “tự tin - sáng tạo”; ba là “tập trung phát triển nguồn nhân lực”.

Rau xứ lạnh Măng Đen. Ảnh: V.N

 

Kết hợp cả ba yếu tố từ phong trào này, Nhật Bản xây dựng được những thương hiệu sản phẩm có tiếng như: chanh Kobosu; thịt bò Bungo; nấm Oita (nấm shiitake) là loại nấm thượng hạng ở Nhật Bản, chiếm 28% thị trường nấm trên toàn quốc; hàng gỗ mỹ nghệ ở thị trấn Yufuin; cam, cá khô ở làng Yonouzu; chè và măng tre ở làng Natkatsu…

Từ tỉnh Oita, phong trào “mỗi làng một sản phẩm” đã lan tỏa trên khắp đất nước Nhật Bản và là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển thần kỳ của ngành nông nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế Nhật Bản nói chung.

Phong trào “mỗi làng một sản phẩm” ở Nhật Bản lan ra nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Á và châu Phi. Tại Trung Quốc có các phong trào “mỗi nhà máy một sản phẩm”, “mỗi thành phố một sản phẩm”, “mỗi làng một báu vật”; tại Philippine có phong trào “mỗi thị trấn một sản phẩm”, tại Malaysia có phong trào “mỗi làng một sản phẩm”, "mỗi làng một nghề”; tại Hàn Quốc có chương trình "mỗi làng một nhãn hiệu”...

Học tập kinh nghiệm từ Nhật Bản, các nước đã tận dụng tốt các nguồn lực của địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống... thu được những thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ở Việt Nam, năm 2013 tỉnh Quảng Ninh thực hiện Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm”. Trong hơn 2 năm thực hiện, tỉnh Quảng Ninh tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống như gà Tiên Yên, kẹo lạc hồng, bánh gật gù, khau nhục…góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người nông dân và phát triển du lịch ở địa phương.

“Đòn bẩy” nông nghiệp, nông thôn phát triển

Từ kinh nghiệm trong và ngoài nước, tỉnh ta thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Kết quả khảo sát, thống kê toàn tỉnh có 129 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao được phân thành 6 nhóm sản phẩm. Cụ thể: nhóm thực phẩm có 41 sản phẩm, nhóm đồ uống có 36 sản phẩm, nhóm thảo dược có 41 sản phẩm, nhóm vải và may mặc có 5 sản phẩm, nhóm dịch vụ nông thôn có 6 sản phẩm. Trong đó, 9 sản phẩm (rau-hoa xứ lạnh, rau củ quả VietGAP, bún tươi, nước giải khát sâm dây, cao sâm dây, rượu sâm dây, dê Măng Đen, cà phê, đường) có đăng ký công bố chất lượng và 1 sản phẩm sâm Ngọc Linh có đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất là các công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ kinh doanh.

Trong những năm gần đây, thông qua sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, nhiều sản phẩm như: rượu vang sim rừng, nước ép trái sim rừng, nước ép chanh dây, nước chiết sâm dây, cà phê túi lọc DakMark, cà phê hòa tan 3in1 DakMark, matcha trà sữa, cà phê bột Sáu Nhung được giới thiệu tại hội chợ kết nối cung-cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, quy mô sản xuất các sản phẩm ở tỉnh còn nhỏ, công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm nhiều... nên giá trị sản phẩm còn thấp và sức cạnh tranh trên thị trường không cao.

Rượu cần nếp than Y Trang, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum). Ảnh: V.N

 

Để đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh, tạo ra nhiều việc làm, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, trong giai đoạn năm 2018-2030, tỉnh quy hoạch phát triển 138 sản phẩm (gồm 108 sản phẩm nông lâm, thủy sản, dược liệu; 10 sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng như vải may mặc, lưu niệm, nội thất và trang trí;14 sản phẩm du lịch...). Trong đó, tập trung phát triển 85 sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh và lựa chọn 10 sản phẩm để tập trung đầu tư đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

Theo lộ trình, trong giai đoạn 2018-2020, tập trung hoàn thiện tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giữa hộ sản xuất, tổ hợp tác với hợp tác xã và doanh nghiệp gắn với phát triển 29 sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh từ các sản phẩm quy hoạch được tiêu chuẩn hóa, chế biến sâu theo chuỗi giá trị; tập trung đầu tư, phát triển 2 sản phẩm là đảng sâm và sâm Ngọc Linh đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

Trong giai đoạn 2021-2025, lựa chọn và phát triển thêm 45 sản phẩm, nâng số sản phẩm lên 74 sản phẩm có lợi thế so sánh từ các sản phẩm quy hoạch; tập trung đầu tư, phát triển thêm 5 sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

Trong giai đoạn 2026-2030 lựa chọn và phát triển thêm 11 sản phẩm, hoàn thành thực hiện 85 sản phẩm chủ lực trên tổng số 138 sản phẩm theo quy hoạch; tập trung đầu tư, phát triển thêm 3 sản phẩm đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

Trong quá trình thực hiện Đề án, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các sản phẩm có thế mạnh, mang đậm nét đặc trưng của địa phương để tập trung đầu tư phát triển gắn với tổ chức sản xuất; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn để phát triển đa dạng hóa các sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Quan điểm phát triển của tỉnh là không áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong quá trình sản xuất các sản phẩm mà phát huy tính sáng tạo của doanh nghiệp, hợp tác xã và người lao động. Chu trình Đề án được thực hiện theo 6 bước: tuyên truyền, hướng dẫn; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại. Việc thực hiện các bước dựa trên nguyên tắc dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm”. 

UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách; tham mưu Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh chỉ đạo thực hiện; hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng, triển khai thực hiện; dự toán kinh phí hỗ trợ...

Việc thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm nếu được thực hiện tốt sẽ là “đòn bẩy” góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế nông thôn theo chiều sâu, nâng cao vai trò và tính chủ động của người dân trong sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường; giúp xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.      

Văn Nhiên

Chuyên mục khác