Phát triển kinh tế tập thể ở Sa Thầy- những “nút thắt” cần tháo gỡ

16/06/2021 13:16

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” (Nghị quyết số 13, ngày 18/3/2002), huyện Sa Thầy đã đạt được những kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương còn những bất cập nhất định nên tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn vẫn còn khó khăn, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa như mong đợi.

Huyện Sa Thầy hiện có 1 tổ hợp tác (THT) nuôi dê thương phẩm, đăng ký và hoạt động theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của THT; ngoài ra, còn có rất nhiều THT khác chưa đăng ký hoạt động theo quy định. Doanh thu bình quân của 1 THT đạt 20 triệu đồng/năm, trong đó doanh thu đối với tổ viên đạt 2 triệu đồng/người/tháng.

Nhìn chung, các THT duy trì hoạt động thường xuyên và mang lại lợi nhuận thiết thực. Tuy quy mô còn hạn chế, hiệu quả kinh tế các THT còn thấp, chưa thể giúp các gia đình làm giàu, nhưng đã góp phần giúp người dân cải thiện đời sống, có hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. 

Đối với loại hình kinh tế hợp tác xã (HTX), huyện Sa Thầy có 10 HTX đang hoạt động theo Luật HTX 2012, thu hút 131 thành viên và người lao động tham gia; doanh thu bình quân đạt 180 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt 35 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/thành viên/năm và thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt  9 triệu đồng/người/năm.

Tổ hợp tác chổi đót Bông Mây làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy với 7 thành viên tham gia. Ảnh: Q.Đ

 

Ông Nguyễn Hữu Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian qua, lãnh đạo huyện và các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện theo Luật Hợp tác xã; qua đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho HTX, THT phát triển, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của huyện.

Đáng kể nhất là các HTX, THT tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống, làm tăng thu nhập cho các thành viên. Thông qua việc đạt được lợi ích chung về kinh tế, các thành viên HTX, THT gắn kết hơn với nhau, mở rộng các sinh hoạt cộng đồng, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá, tinh thần…

Bên cạnh những mặt tích cực, loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Sa Thầy còn một số hạn chế. Cụ thể là, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể còn khá chậm. Kinh tế tập thể, HTX tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong hoạt động. So với doanh nghiệp thì năng lực nội tại, đặc biệt là vốn, cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý của các HTX còn yếu. Nhiều HTX còn lúng túng, thiếu định hướng hoạt động; công tác quản lý, điều hành, tổ chức, công tác kế toán của nhiều HTX chưa đáp ứng được các quy định, chưa đảm bảo được tính minh bạch, dân chủ trong tổ chức và hoạt động; tính liên kết, hợp tác trong HTX chưa cao, thành viên chưa tham gia tích cực vào hoạt động chung của HTX; khả năng mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề, tiếp cận với các chương trình, dự án cũng như các nguồn vốn tín dụng của các HTX, THT còn gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy - ông Nguyễn Hữu Thạnh chia sẻ: Để loại hình kinh tế này phát triển, trong thời gian tới, UBND huyện tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, củng cố, mở rộng và phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hình thức HTX là nòng cốt. Có chính sách khuyến khích phát triển HTX trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới; từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.

Huyện Sa Thầy cũng sẽ chú trọng phát triển các HTX ở các xã, thị trấn theo chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, nhằm đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để các THT liên kết, phát triển thành HTX; các HTX liên kết, phát triển thành Liên hiệp HTX. Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, lồng ghép việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên. Phấn đấu trong năm 2021, huyện vận động thành lập mới từ 1-2 THT được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về tổ hợp tác và thành lập ít nhất 1 HTX; chuyển đổi 100% HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012; giải thể bắt buộc đối với HTX ngừng hoạt động lâu năm.

Mặt khác, UBND huyện Sa Thầy chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực nghiên cứu và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX tại địa phương; xây dựng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; thường xuyên tư vấn, theo dõi các HTX đã đăng ký tham gia chương trình OCOP…       

Quang Định

Chuyên mục khác