Phát triển kinh tế dưới góc nhìn doanh nghiệp

14/09/2015 09:46

Kon Tum được xem là điểm trung chuyển trên tuyến hành lang thương mại quốc tế nối từ Myanmar - Đông Bắc Thái Lan - Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ của Việt Nam. Đây là tuyến hành lang thương mại Đông - Tây ngắn nhất qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y là những điểm thuận lợi nhất cho các DN Kon Tum mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực chế biến lâm sản, xuất khẩu, khai thác du lịch…

Trong 8 tháng đầu năm nay, kinh tế của tỉnh có bước chuyển biến tích cực như tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm đạt 12,73%, tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng đóng góp đáng kể trong nền kinh tế; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 19%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước...

Dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột sắn Đăk Tô. Ảnh: D.L

 

Những tín hiệu tốt từ bức tranh kinh tế của tỉnh, đang khích lệ các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp tục phát triển. Chỉ tính riêng trong quý III/2015, có 52 DN thành lập mới, tăng 260% so với cùng kỳ năm 2014.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh cho rằng, Kon Tum có lợi thế rất lớn, đặc biệt là nằm ở khu vực ngã ba biên giới ba nước Đông Dương, cách không xa các khu vực kinh tế phát triển năng động của miền Trung... Kon Tum được xem là điểm trung chuyển trên tuyến hành lang thương mại quốc tế nối từ Myanmar - Đông Bắc Thái Lan - Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ của Việt Nam. Đây là tuyến hành lang thương mại Đông - Tây ngắn nhất qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y là những điểm thuận lợi nhất cho các DN Kon Tum mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực chế biến lâm sản, xuất khẩu, khai thác du lịch… Tuy nhiên, phần lớn DN Kon Tum hoạt động kinh doanh mang tính cơ hội, chưa khai thác được lợi thế, thiếu phương án kinh doanh có hiệu quả. Đóng góp của DN vào kinh tế tỉnh còn thấp, hiện nay nhiều DN còn số nợ đọng thuế trên 2 tỷ đồng, cá biệt có DN còn nợ thuế trên mức 40 tỷ đồng.

Ông Từ Quang Dũng- giám đốc một doanh nghiệp trồng và sản xuất chế biến trà có tiếng ở Đà Lạt, hiện đang sở hữu trên 100ha trà cao cấp các loại nhận định, Kon Tum có lợi thế là có quỹ đất lâm nghiệp, nông nghiệp lớn và Kon Tum đang dần hình thành vùng trọng điểm về trồng cây cao su, cà phê, cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, hồng đảng sâm. Đây được xem là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân trong tỉnh. Nhưng đến nay tỷ trọng vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao của các DN, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp ở mức thấp. Vì vậy, kinh tế tỉnh, ngoài đóng góp các DN có thế mạnh về sản xuất cà phê, cao su, thì chưa có có DN nào nổi lên trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thực trạng này đòi hỏi tỉnh phải có một chiến lược thu hút các DN, các nhà đầu tư lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao vào các vùng kinh tế động lực của tỉnh, để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng bền vững. Cùng với đó, Kon Tum sẽ có những người công nhân nông nghiệp có trình độ, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đáp ứng được thị trường xuất khẩu và từ đây sẽ dần đần thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp truyền thống của người nông dân địa phương.

Theo bà Nguyễn Thu Hạnh- Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững, Kon Tum được xem là một trong những tỉnh có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia với nhiều di tích lịch sử như: Ngục Kon Tum, ngục Đăk Glei; những địa danh nổi tiếng như đồi Sạc Ly, Đăk Tô - Tân Cảnh, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Nhiều công trình lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ như nhà thờ gỗ, Tòa giám mục, chùa Bác Ái; nhiều cảnh quang thiên nhiên đẹp với sông, hồ, thác, núi hùng vĩ, còn đậm vẻ hoang sơ; các khu bảo tồn thiên nhiên đầy giá trị như: Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh... Cùng với đó, Kon Tum cũng là nơi có nền văn hóa phong phú, đa dạng được kết tinh từ đời sống văn hóa tinh thần của 22 dân tộc đã tụ cư tại nơi đây hàng trăm năm... nên cần nhiều cách tiếp cận để tạo dựng thương hiệu cho du lịch Kon Tum. Trong 8 tháng đầu năm 2015, có 18.959 lượt khách du lịch đến Kon Tum, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, lượng khách quốc tế 6.354 lượt khách, chiếm trên 33%, doanh thu ước đạt 9.672 triệu đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này chứng tỏ Kon Tum có nhiều sức hút đối với khách du lịch từ bề dày văn hoá lịch sử, từ đặc điểm hình thái của cảnh quan thiên nhiên… Tuy nhiên, kết quả này còn khiêm tốn đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ ở Kon Tum. Thế mạnh này phải được các địa phương và DN tiếp cận, khai thác để ngành công nghiệp “không khói” này sẽ góp phần lớn cho kinh tế Kon Tum phát triển.

Còn ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh thì cho rằng, với việc số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng trong thời gian gần đây, phần nào cho phép đánh giá khá lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Năng lực cạnh tranh của các DN trong tỉnh yếu, khả năng tự vận động vươn lên chưa cao. Cộng đồng DN mong muốn tỉnh quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp để hỗ trợ DN vượt khó, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như năng lực tổ chức, hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước; tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi và thân thiện. Có thể nói “sức khỏe” của DN có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của tỉnh.

Dương Lê

Chuyên mục khác