Phát triển kinh tế dược liệu ở Ngọc Hồi

25/02/2023 13:17

Tháng 2/2021, khi triển khai Kế hoạch số 585/KH-UBND về phát triển cây dược liệu giai đoạn2021-2025 trên địa bàn huyện, nhiều người đã lo lắng không đạt mục tiêu phát triển 120ha dược liệu đến năm 2025 vì nhiều lý do. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã chứng minh điều ngược lại.

Cũng dễ cảm thông cho những lo lắng ấy, bởi trên thực tế, so với một số địa phương khác, như Tu Mơ Rông, Đăk Glei hay Kon Plông, Ngọc Hồi “lép vế” hơn hẳn về tiềm năng, thế mạnh dược liệu.

Trong một báo cáo, UBND huyện Ngọc Hồi cũng thừa nhận rằng, thời tiết, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng và kỹ thuật canh tác trên địa bàn ít phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cây dược liệu.

Việc phát triển dược liệu còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa mang tính thị trường. Bà con nông dân trồng chủ yếu là để hỗ trợ trong việc điều trị, chữa bệnh theo phương pháp dân gian, chưa đầu tư sản xuất với quy mô lớn.

Hơn nữa, thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm dược liệu rất ít, chưa có liên kết trong sản xuất và thu mua sản phẩm. 

Phát triển dược liệu còn nặng tính manh mún, nhỏ lẻ. Ảnh: H.L

 

Điều đó lý giải vì sao việc đến tháng 4/2021, theo báo cáo số 206/BC-UBND của UBND huyện Ngọc Hồi, toàn huyện có 20ha cây dược liệu trồng tập trung và một số diện tích dược liệu được người dân trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà, trên rẫy.

Thế nhưng, thật bất ngờ khi chỉ trong năm 2022, toàn huyện Ngọc Hồi đã trồng mới được 107,6ha cây dược liệu, nâng tổng diện tích cây dược liệu của địa phương lên 137,6ha, đạt 107% kế hoạch, vượt 17,6ha so với mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Đây thật sự là một bước tiến lớn trong phát triển dược liệu, cho thấy quyết tâm của huyện trong hình thành các vùng trồng dược liệu, đưa kinh tế dược liệu thành ngành có đóng góp quan trọng trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được kết quả ấy, huyện Ngọc Hồi đã đặc biệt quan tâm đến triển khai đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn với mục tiêu phát triển dược liệu gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, đảm bảo cải thiện sinh kế cho người dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất dược liệu.

Hàng loạt giải pháp cụ thể được triển khai hiệu quả, như điều tra, xác định số loài, hiện trạng, trữ lượng tại các vùng có khả năng phát triển dược liệu. Trên cơ sở đó, quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung tích hợp trong Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, gắn với cơ cấu từng loại dược liệu để thu hút đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung đối với các loài dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, như đinh lăng, nấm dược liệu, sa nhân tím. Khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn.

Mô hình trồng sa nhân tím. Ảnh: HL


Tất nhiên, so với nhiều địa phương khác trong tỉnh thì kết quả phát triển dược liệu trên địa bàn huyện Ngọc Hồi còn khá khiêm tốn. Vì vậy, tại Kế hoạch số 354/KH-UBND ngày 20/2 triển khai Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND huyện xác định mục tiêu hàng đầu là hình thành vùng trồng dược liệu sản xuất theo hướng tập trung; phát triển chuỗi liên kết dược liệu từ trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, đến năm 2025, trồng được khoảng 100ha sa nhân tím và 150ha cây dược liệu khác. Tùy vào điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, thị trường tiêu thụ và ưu chuộng của người dùng để bổ sung một số cây dược liệu khác trồng phù hợp.

Hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thế mạnh tại địa phương với quy mô trên 1ha; 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống. Phấn đấu có từ 1-2 hợp tác xã tham gia đầu tư trồng, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu; khai thác, sử dụng bền vững nguồn dược liệu của huyện.

Đến năm 2030, tổng diện tích trồng cây dược liệu đạt khoảng trên 350ha. Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các vùng trồng dược liệu, thúc đẩy các dịch vụ, kho bãi phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến dược liệu.

Theo UBND huyện, để thực hiện được các mục tiêu trên, trước hết, cần thể chế hóa quan điểm về đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu vào chương trình công tác và chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm với mục tiêu, giải pháp cụ thể. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm soát, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để tạo sự đột phá.

Thành lập ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển dược liệu cấp huyện; tổ chức công tác quản lý nhà nước về dược liệu theo hướng bảo đảm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Bên cạnh đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện. Muốn vậy, phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.

Thay đổi tư duy của người dân từ việc trồng, phát triển dược liệu tự phát sang phát triển vùng dược liệu tập trung, quy mô lớn để sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm năng cao thu nhập.

Đồng thời, tiến hành rà soát những vùng có điều kiện thuận lợi để bố trí từng loại cây dược liệu phù hợp với khí hậu, đất đai, sinh thái của từng vùng sản xuất, từng địa phương như sa nhân tím, nghệ, gừng.

Khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây dược liệu có giá trị kinh tế, dồn đổi đất đai để trồng dược liệu thâm canh quy mô lớn phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương.

Thu hút, kêu gọi và tạo điều kiện các doanh nghiệp thực hiện liên doanh, liên kết với người dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác để trồng, tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm chế biến từ dược liệu để đáp ứng nhu cầu của thị trường.        

Hồng Lam

Chuyên mục khác