02/10/2022 13:03
Hợp tác xã Thảo dược cộng đồng Tu Mơ Rông tại xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) được thành lập vào tháng 4/2022, với 16 thành viên, đa số là người DTTS ở thôn Tu Mơ Rông (xã Đăk Hà). Ngành nghề sản xuất-kinh doanh của hợp tác xã là ươm cây giống dược liệu, cây giống trồng rừng và thu mua, tiêu thụ, chế biến nông sản.
Phát triển nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất-kinh doanh, Hợp tác xã Thảo dược cộng đồng Tu Mơ Rông đã xây dựng 2 vườn ươm cây giống sâm dây và thất diệp nhất chi hoa với tổng quy mô hơn 400.000 cây tại xã Đăk Hà và xã Tu Mơ Rông; đồng thời, liên kết với người dân ở xã Măng Ri để sản xuất các loại cây dược liệu.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy- Giám đốc Hợp tác xã Thảo dược cộng đồng Tu Mơ Rông cho biết, hợp tác xã hiện có 10 lao động thường xuyên và khoảng 30 lao động thời vụ. Bên cạnh việc góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, hợp tác xã đã tiến hành liên kết sản xuất với các hộ dân trên địa bàn bằng hình thức hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu và đến kỳ thu hoạch hợp tác xã lại thu mua sản phẩm dược liệu các hộ dân, tạo đầu ra sản phẩm, giúp họ nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
|
“Dù mới được thành lập nhưng thông qua sự hỗ trợ của các phòng, ban chuyên môn của huyện Tu Mơ Rông, Hợp tác xã đã xây dựng được cửa hàng bán các sản phẩm đặc trưng trong, ngoài huyện và phát triển được 4 sản phẩm gồm măng khô, cao sâm dây, mứt sâm dây và sâm dây khô để đăng ký tham gia Chương trình OCOP trong năm 2022. Sắp tới, Hợp tác xã sẽ tăng diện tích vườn ươm, sản xuất thêm các cây giống thông ba lá, sơn tra, ngũ vị tử và tiếp tục liên kết với các hộ dân ở địa phương để mở rộng vùng nguyên liệu”- bà Hồ Thị Thanh Thủy chia sẻ.
Tại Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông (thành lập vào tháng 7/2018, trụ sở tại xã Ngọk Lây) cũng đang liên kết với 20 hộ DTTS trên địa bàn xã để trồng các loại cây cà phê Arabica (cà phê chè), sâm dây, đương quy, lan kim tuyến, ngũ vị tử, táo mèo… Hiện, Hợp tác xã có 10 lao động thường xuyên, 20 lao động thời vụ và 7/13 thành viên là người DTTS.
Ông Nguyễn Tiến Thuật- Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông cho hay, hợp tác xã đang có 9 sản phẩm dược liệu qua chế biến gồm cao, trà túi lọc đang bán trên thị trường và 1 sản phẩm OCOP tỉnh đạt hạng 3 sao là Cà phê Rang xay. Đối với các hộ dân liên kết sản xuất, hợp tác xã đều tổ chức ký hợp đồng, hỗ trợ cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật và thu mua sau khi thu hoạch. Với các lao động thường xuyên, ngoài lương cơ bản trên 4 triệu đồng/tháng, các lao động còn được hợp tác xã hỗ trợ tiền ăn 65.000 đồng/ngày.
“Hiện nay, Phòng tài chính-kế hoạch của huyện Tu Mơ Rông đang hỗ trợ Hợp tác xã trong việc kiện toàn lại bộ máy tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước”- ông Thuật cho biết.
Tại Hợp tác xã Toong Xăng Xanh (thành lập vào tháng 8/2022, trụ sở tại xã Văn Xuôi), bên cạnh liên kết với 30 hộ DTTS tại địa bàn xã để xây dựng vùng nguyên liệu trồng các loại cây dược liệu rộng 40ha, Hợp tác xã còn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng nhà màng, nhà lưới, vườn ươm rộng hơn 8.000m2, lắp đặt hệ thống tưới tự động và sử dụng cây giống nuôi cấy mô để trồng các loại rau, củ, quả và ươm các loại cây dược liệu.
Ông Nguyễn Đức Trung- Giám đốc Hợp tác xã Toong Xăng Xanh chia sẻ, ngoài sản xuất-kinh doanh các loại cây dược liệu, rau, củ, quả, hợp tác xã còn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưu trú, trồng hoa, cây xanh tại khu sản xuất, cải tạo và dựng chòi nghỉ mát tại các hồ nước tự nhiên trong xã, liên kết với cộng đồng người dân địa phương tổ chức biểu diễn cồng chiêng, múa xoang và cung cấp dịch vụ ẩm thực để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.
Theo Phòng Tài chính -Kế hoạch huyện Tu Mơ Rông, toàn huyện hiện có 28 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012 với tổng vốn điều lệ hơn 152 tỷ đồng cùng tổng số thành viên là 428 người. Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện có 8 hợp tác xã thành lập mới, tăng so với cùng kỳ (trong năm 2021, huyện có 5 hợp tác xã được thành lập mới).
Bà Nguyễn Đức Hạnh- Phó phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Tu Mơ Rông đánh giá, các hợp tác xã trên địa bàn huyện đều khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của địa phương, tích cực liên kết sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân, xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất-kinh doanh ngày càng ổn định, đi vào chiều sâu.
“Trong thời gian tới, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Tu Mơ Rông tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân; xây dựng các hợp tác xã điển hình tiên tiến, hoạt động hiệu quả để nhân rộng; tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt địa phương và các hợp tác xã; tăng cường công tác quản lý, nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển, tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển-kinh tế xã hội”- bà Hạnh cho biết thêm.
Đức Thành