Phát triển hạ tầng thương mại gắn với xây dựng nông thôn mới

24/12/2023 06:39

Những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm đầu tư, kêu gọi xã hội hóa để phát triển hạ tầng thương mại vùng nông thôn, đảm bảo khả năng cung ứng, tiêu thụ hàng hóa cho người dân, góp phần đưa kinh tế- xã hội của các địa phương phát triển.

Trong các tiêu chí về xây dựng xã NTM và xã NTM nâng cao, tiêu chí số 7- “Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn” được đánh giá có vai trò quan trọng không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh, buôn bán của người dân nông thôn mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở từng địa phương. Theo quy định, xã chỉ được công nhận đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn khi có chợ nông thôn hoặc cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp) trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đạt chuẩn theo quy định.

Các siêu thị mini, cửa hàng phân phối phát triển rộng khắp ở vùng nông thôn. Ảnh: TH

 

Thời gian qua, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, với sự đầu tư của Nhà nước, sự tham gia, đóng góp tích cực của tổ chức, doanh nghiệp và người dân, diện mạo kinh tế- xã hội ở khu vực nông thôn của tỉnh có chuyển biến và đổi thay rõ nét. Cùng với các hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống của người dân (như điện, đường, trường, trạm) thì cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn không ngừng được đầu tư phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

Các ngành và các địa phương trong tỉnh đã huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thương mại thiết yếu vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Trong đó, hệ thống chợ được đặc biệt quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới, đổi mới hình thức quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, các địa phương tích cực kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống hạ tầng cơ sở thương mại phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ, giao thương hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 chợ dân sinh, 4 siêu thị và 1 trung tâm thương mại cùng với hệ thống các siêu thị mini, đại lý phân phối, cơ sở bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp tại tất cả các địa phương. Tại nhiều xã vùng nông thôn đã hình thành chuỗi các cửa hàng tiện lợi của siêu thị Điện máy xanh, Thế giới di động tạo nên diện mạo mới về văn minh thương mại.

Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn phát triển đã tạo môi trường thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa, nhất là sản phẩm nông nghiệp do người dân làm ra, sản phẩm đặc trưng của các địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hạ tầng thương mại ở khu vực nông thôn phát triển cũng góp phần kích thích sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở các vùng quê và đưa kinh tế của các địa phương phát triển.

Thời gian qua, hệ thống chợ nông thôn được quan tâm đầu tư. Ảnh: TH

 

Mặc dù có sự cải thiện đáng kể, nhưng trên thực tế, về tổng thể hạ tầng thương mại vùng nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay hầu như các xã khu vực vùng sâu, vùng xa chưa có chợ; tình trạng chợ tạm, chợ “cóc” họp ngoài lòng lề đường vẫn tồn tại và có những tác động tiêu cực với an toàn giao thông, trật tự xã hội và vệ sinh môi trường. Hệ thống các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi... phần lớn vẫn tập trung ở khu vực thành thị và những địa bàn thuận lợi.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại ở khu vực nông thôn cũng như góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, trong kế hoạch phát triển thị trường đến năm 2030, tỉnh ta định hướng xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại một cách đồng bộ, bền vững, phù hợp với tính chất và phát triển của thị trường; đặc biệt là chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn. Phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Vì vậy, những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành tập trung thực hiện là đẩy mạnh đầu tư hệ thống phân phối bán lẻ bao gồm chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh; quan tâm mở rộng mạng lưới chợ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ và xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác chợ. Đồng thời, lồng ghép việc triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn; ưu tiên bố trí, phân bổ vốn đầu tư công phát triển các chợ truyền thống mang tính văn hóa cần bảo tồn, các chợ biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bố trí phát triển mạng lưới cơ sở thu mua nông sản, đặc sản trong tỉnh; phát triển hệ thống kho tổng hợp và chuyên dụng, kho lạnh (đặc biệt là kho dự trữ, bảo quản hàng nông sản và hàng tiêu dùng thiết yếu) phục vụ bình ổn thị trường và cân đối cung cầu trong các thời điểm bất ổn về giá trong tỉnh.

Việc xây dựng và phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội khu vực nông thôn nói chung và hạ tầng thương mại nông thôn nói riêng một cách đồng bộ, theo hướng hiện đại góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng đời sống tăng thu nhập cho người dân nông thôn và thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.                      

Thiên Hương

Chuyên mục khác