11/03/2019 13:00
Có thể nói, công nghệ sản xuất vật liệu gạch không nung là công nghệ sạch và tiên tiến. Tuy nhiên cần có những chính sách và giải pháp đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện.
Được biết, từ năm 2006, tỉnh có chủ trương di dời các lò gạch thủ công về các khu quy hoạch tập trung hoặc xóa bỏ lò thủ công, chuyển đổi dây chuyền công nghệ hiện đại.
Riêng ở địa bàn thành phố Kon Tum, đến nay, đã di dời được 247 lò thủ công vào hai khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đặt tại thôn 5, xã Hòa Bình (diện tích 70 ha) và tại phường Ngô Mây (diện tích 32 ha). Hiện tại, còn lại hơn 50 lò thủ công tại khu vực xã Ngọc Bay, xã Đăk Blà và phường Ngô Mây. Mỗi năm các lò cung ứng ra thị trường khoảng trên 200 triệu viên gạch và là nơi giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Nhưng đa số các lò vẫn sử dụng củi đốt làm phát thải khí nhà kính, khói bụi gây ô nhiễm môi trường.
Trước vấn đề ô nhiễm môi trường từ các lò gạch này, thành phố Kon Tum đã có nhiều giải pháp, tuyên truyền các hộ gia đình đầu tư xây dựng lò sản xuất gạch tuy nen hoặc chuyển đổi mô hình đốt lò bằng than đá để tiết kiệm nguyên liệu, không đe dọa đến tài nguyên rừng. Khuyến khích người dân xóa bỏ nghề làm gạch thủ công, chuyển đổi nghề nghiệp dưới sự hỗ trợ đào tạo nghề của thành phố. Mặt khác, các đơn vị liên quan cũng đang tham mưu UBND thành phố Kon Tum chọn khu đất tập trung phù hợp để di dời các lò thủ công này.
Phát triển gạch không nung, từng bước thay thế gạch thủ công, tiến tới chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công là mục tiêu của tỉnh. Nhằm cụ thể hoá mục tiêu này, theo kế hoạch, năm 2018 toàn tỉnh giảm 107 lò gạch thủ công với sản lượng gạch sét nung giảm 38,57 triệu viên; năm 2019 sẽ giảm tiếp 72 lò với sản lượng giảm 26,67 triệu viên; năm 2020 sẽ giảm thêm 67 lò nữa với sản lượng giảm 24,79 triệu viên và đến năm 2025 sẽ xoá bỏ toàn bộ lò gạch thủ công.
Song song với việc cắt giảm lượng gạch đất sét nung thủ công, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc phát triển gạch không nung. Theo đó, cùng với các doanh nghiệp hiện có, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai 7 dự án đã được các doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư, đảm bảo đến năm 2020 đạt sản lượng 150 triệu viên. Tại tất cả các địa phương đều có các dây chuyền sản xuất gạch không nung để đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc di dời lò thủ công ra khỏi khu dân cư vẫn là một bài toán khó. Bà Bành Thị Hiền-Chánh Văn phòng UBND thành phố Kon Tum nêu một số khó khăn mà địa phương gặp phải: Đa số các lò gạch thủ công là của các hộ sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu để cải thiện đời sống gia đình. Vì điều kiện các cơ sở sản xuất còn khó khăn, không đủ kinh phí để chuyển đổi công nghệ, mặc dù sẽ được hỗ trợ một phần chi phí.
|
Thực hiện mục tiêu trên, ngày 7/3/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 584-KH/UBND về việc phát triển vật liệu không nung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Qua xem xét Báo cáo số 312/BC-UBND ngày 31/5/2018 của UBND thành phố Kon Tum; Báo cáo số 134/BC-SXD, ngày 17/7/2018 của Sở Xây dựng, UBND tỉnh giao UBND thành phố Kon Tum chủ động làm việc với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan để xây dựng, báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh trước khi ban hành kế hoạch chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công. Trong đó, tính toán lại mức hỗ trợ; nguồn kinh phí hỗ trợ cho phù hợp với khả năng ngân sách, đảm bảo tính khả thi…
Anh Nguyễn Văn Tuy ở xã Đăk Blà chia sẻ nỗi niềm của người trong cuộc: Từ văn bản đến thực thi là chặng đường dài. Đối với nhiều lao động ở độ tuổi trung niên, nhất là lao động không có trình độ đang lao động ở các cơ sở sản xuất gạch thủ công, thì việc chuyển đổi nghề và tìm một nghề mới là không dễ dàng. Đây không chỉ là khó khăn riêng của gia đình tôi mà còn là nỗi niềm chung của tất cả lao động tại các lò gạch trên địa bàn thành phố. Vì vậy, về lâu dài mong tỉnh sớm có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với các hộ sản xuất gạch, ngói và lực lượng lao động làm thuê; tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất và vốn vay để họ đầu tư phát triển các mô hình kinh tế mới, cũng như tạo cơ hội việc làm để lao động có thể ổn định sau khi chuyển đổi sang ngành nghề khác.
Bài và ảnh: Dương Lê