Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao

08/06/2020 06:05

Huyện Tu Mơ Rông có trên 86.000ha đất rừng tự nhiên, khí hậu mát mẻ, trong lành, có rất nhiều loài dược liệu quý hiếm, giá trị cao. Cùng với đó, địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử và hơn 95% dân số là đồng bào DTTS tại chỗ còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Những yếu tố thuận lợi này là cơ hội cho địa phương phát triển tiềm năng du lịch cộng đồng gắn với vùng nông nghiệp công nghệ cao để tạo nên các chuỗi sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, homestay.

Đồng chí Võ Trung Mạnh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, thời gian qua, cụ thể hóa văn bản chỉ đạo của các cấp về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, lĩnh vực thương mại - du lịch trên địa bàn nói riêng, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành các chương trình, kế hoạch về định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, góp phần phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có trên địa bàn, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

Địa phương có nhiều lợi thế và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp cao như, thiên nhiên ưu đãi với 67% diện tích rừng bao phủ toàn vùng, nên khí hậu trên địa bàn huyện được mát mẻ quanh năm. Ở các xã trong huyện có nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vĩ mang đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, gắn với nhiều thác, suối vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ: khu sinh thái Ngọc Linh; thác nước Đa Tầng (xã Tê Xăng); thác Sê Puông (xã Đăk Na); các ruộng bậc thang (xã Măng Ri)... Những địa chỉ có tiềm năng khai thác, đưa vào phục vụ làm điểm thu hút khách đến tham quan du lịch, đã được Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, các đơn vị chuyên môn và các xã liên quan tiến hành khảo sát, xây dựng phương án đầu tư để khai thác thành các sản phẩm du lịch sinh thái và đang trình tỉnh phê duyệt công nhận là khu du lịch sinh thái Ngọc Linh và các điểm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm.

Trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, chứng tích chiến tranh được lưu giữ, bảo tồn như Khu căn cứ Tỉnh ủy Măng Ri, đồn Mô Pành...

Thác Tê Rông - một điểm du lịch của huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: MT

 

Huyện có gần 95% dân số là đồng bào DTTS tại chỗ. Thời gian qua, bà con chú trọng gìn giữ, bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc: 100% số nhà rông trên địa bàn được dựng với lối kiến trúc dân gian tạo hình nghệ thuật riêng biệt của người Xơ Đăng; sưu tầm, gìn giữ khoảng 108 bộ cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ dân tộc; được các cấp hỗ trợ kinh phí phục dựng 12 lễ hội tiêu biểu và xây mới 15 nhà sinh hoạt cộng đồng; có 50 nghệ nhân cồng chiêng...

“Với những bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương hiện có như thế, Huyện ủy đã chỉ đạo Trung tâm VH-TTDL&TT huyện, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn tăng cường phối hợp vận động nhân dân tham gia làm du lịch dưới hình thức homestay để thu hút lớn lượng du khách lưu trú, trải nghiệm tham quan và tìm hiểu về các di sản văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể lâu đời của bà con dân tộc Xơ Đăng…” - đồng chí Võ Trung Mạnh cho biết. 

Đặc biệt, với diện tích rừng tự nhiên hơn 86.000ha, địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bảo tồn, khai thác nhiều loại cây dược liệu quý, hiếm dưới tán rừng. Cụ thể, nhiều năm gần đây, Huyện ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện quản lý và giao khoán bảo vệ rừng cho người dân, đi cùng đó là phát triển hơn 726 ha cây trồng là các loài dược liệu dưới tán rừng, như cây sâm Ngọc Linh 505,2 ha, đẳng sâm là 125,7 ha, đương quy 38.9 ha, ngũ vị tử  31,8 ha, sơn tra 37,3 ha… Có thể nói, đây là những loài dược liệu quý, hiếm cần được quảng bá, giới thiệu khắp thế giới.

Ở lĩnh vực khai thác kinh tế, địa phương cũng đã hỗ trợ, tạo cơ chế thu hút được 30 doanh nghiệp, tổ hợp tác, tổ liên kết, nhóm hộ tham gia tốt việc trồng, hợp tác liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm thô, hoặc sơ chế biến thành các loại nước giải khát, thực phẩm chức năng, đối với các loại dược liệu sẵn có. Hiện tại, huyện đã làm việc với đơn vị, các doanh nghiệp, các tổ hợp tác nhằm kêu gọi liên kết, kinh doanh gắn với mở rộng liên kết sản xuất gắn với du lịch dưới hình thức như: mở các tour du lịch với sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng dược liệu; tour - farmstay trải nghiệm làm nhà nông chăm sóc, chế biến nông sản, dược liệu...

Bên cạnh các thế mạnh trên, gần 10 năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông được các cấp, ngành quan tâm, triển khai đồng bộ, trong đó có hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng và nâng cấp, mở lối  thông tuyến trên địa bàn các xã, đến các huyện của tỉnh và một số tỉnh bạn. Toàn huyện có 100% lưới điện, công trình nước sinh hoạt được kéo về tận nhà dân, khu sản  xuất, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn khang trang, sạch, đẹp hơn…

Có thể nói, những thuận lợi đang mở ra đa chiều cho phát triển du lịch khai thác tiềm năng nơi đây. Tuy nhiên, đồng chí Võ Trung Mạnh trăn trở: Nhiều năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo định hướng, đến tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, để địa phương  đẩy mạnh  rà soát, kêu gọi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, xúc tiến công tác phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có phát huy lợi vùng dược liệu vẫn gặp không ít cái khó. Các xã và các đơn vị chức năng đã phối hợp kịp thời kiểm tra, thống kê tham mưu cho tỉnh xác định khoanh vùng diện tích đất rừng tự nhiên có thể phát triển du lịch, nhằm hoàn thiện văn bản pháp lý triển khai thực hiện thực tế, thế nhưng vẫn vướng đối với khu vực đất rừng đã xác định là vùng trọng yếu đảm bảo an ninh quốc phòng, quốc gia, hay khu vực cần được bảo vệ, gìn giữ có liên quan đến khu di tích lịch sử…

 Khó khăn nữa là, công tác khảo sát các khu, tuyến, điểm, xây dựng cơ chế hợp tác kết nối du lịch từ các tỉnh duyên hải miền Trung với địa bàn Tu Mơ Rông và các địa phương khác (Kon Plông, Đăk Glei, thành phố Kon Tum) trong tỉnh chưa được các cấp, các ngành truyền thông, quảng bá mạnh mẽ để kích cầu tăng lượng khách du lịch tìm đến.

Cùng đó, huyện đã gửi hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 5 điểm du lịch cộng đồng, du lịch khám phá văn hóa lịch sử trên địa bàn, nhưng vẫn chưa được các sở ngành và tỉnh thẩm định. Do đó, công tác quảng bá, giới thiệu chính thức vẫn chưa được triển khai chính thức, rộng rãi trong, ngoài tỉnh.

Công tác rà soát, nghiên cứu, đánh giá quy ước bảo vệ rừng, gắn kết quy định của pháp luật nhà nước về lâm nghiệp đối với rừng cộng đồng bảo vệ và được khai thác dưới tán rừng ở một số khu vực, một số xã chưa tính toán cụ thể phương án, chính sách chi trả, cũng như tạo sinh kế cho người dân khai thác dược liệu dưới tán rừng. Do đó, công tác nâng cao hiệu quả quản lý rừng, cũng như hình thành - phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng (farmstay) gắn với khai thác, kinh doanh nguồn dược liệu theo hướng bền vững cũng chưa được tính toán đến. 

Mặt khác, một số chính sách về truyền dạy, bảo tồn phục dựng các lễ hội làng nghề truyền thống đã được thực hiện, nhưng so với kho tàng văn hóa truyền thống, dân gian của người Xơ Đăng vẫn còn lưu truyền nhiều trong đời sống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng chưa được sưu tầm, khám phá, khôi phục nhiều.   

Đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, toàn huyện có khoảng 30 mô hình hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với người dân  trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh, phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng còn khiêm tốn, khi độ che phủ trên địa bàn đạt trên 67%.

Tiếp đó, công tác giới thiệu, quảng bá về địa danh, văn hóa, con người Tu Mơ Rông để thu hút du khách đến tham quan, khám phá chưa được tỉnh, bộ ngành quan tâm đầu tư kinh phí thích hợp qua các năm. 

Thời gian tới, huyện Tu Mơ Rông mong muốn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sở, ngành liên quan quan tâm, sớm chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn đã đề cập của địa phương. Từ đó, giúp huyện có cơ hội khai thác, phát huy lợi thế sẵn có, phục vụ tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng ngành thương mại – dịch vụ, tăng thu ngân sách nhà nước. Riêng người dân được tạo cơ hội thêm việc làm, tăng thu nhập ổn định, hướng tới xây dựng Tu Mơ Rông ngày càng phát triển.

Văn Đang – Mai Trâm  

Chuyên mục khác