Phát triển đô thị, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội

06/10/2022 06:07

Những năm gần đây, hệ thống đô thị Kon Tum đã có sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển 8 đô thị (thành phố Kon Tum là đô thị loại III; thị trấn Plei Kần là đô thị loại IV; 6 thị trấn là đô thị loại V (Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Glei, Đăk Rve, Măng Đen) và 3 đô thị đang được đầu tư xây dựng hình thành mới (huyện lỵ Tu Mơ Rông, huyện lỵ Kon Rẫy và huyện lỵ Ia H’Drai). Mật độ đô thị trong vùng đạt 0,7 đô thị/1000 km2. Tỷ lệ đô thị hóa của các đô thị trong toàn tỉnh được nâng cao qua từng năm, từ 33,4% năm 2007 lên 34,5% năm 2012, cao hơn so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước (khoảng 30%) và đến năm 2021 là 38,26%. Đặc biệt, diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc, tại các đô thị đã xuất hiện nhiều nhà cao tầng, nhiều công trình kiến trúc mang những sắc thái riêng. Hạ tầng dịch vụ đô thị ngày càng được hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại.

Đặc biệt, thành phố Kon Tum- là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh được công nhận đô thị loại III (năm 2005) và có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Diện mạo kiến trúc và cảnh quan đô thị thay đổi theo hướng khang trang và hiện đại. Cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đã và đang được đầu tư khá đồng bộ. Không gian sống đô thị ngày càng được nâng cao, công tác quy hoạch được xem trọng với tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết so với quy hoạch chung chiếm khoảng 80% diện tích đất xây dựng đô thị. Thành phố Kon Tum đã và đang huy động tối đa mọi nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhất là sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội thành, điện chiếu sáng công lộ, cây xanh, vườn hoa, công viên, quảng trường phấn đấu đến năm 2023 đạt tiêu chí đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu). 

Một góc thành phố Kon Tum hôm nay. Ảnh: H.N

 

Có thể nói, hệ thống đô thị Kon Tum đã đóng góp lớn cho sự nghiệp tăng trưởng kinh tế của tỉnh với tỷ trọng đáng kể (chiếm hơn 50%); tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị thường nhanh hơn khu vực nông thôn khoảng 1,92 lần. Nguồn thu của các đô thị, đặc biệt là của thành phố Kon Tum chiếm tỷ lệ quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước (trên 20%). Hệ thống đô thị cũng góp phần đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế từ mô hình nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ (tốc độ dịch chuyển giai đoạn 2010-2020 khoảng 3,6%/năm). Hệ thống đô thị với sức hút lớn đã thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp như Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Khu công nghiệp Hòa Bình, Khu công nghiệp Sao Mai…Hiện nay quỹ đất công nghiệp (tính cả khu và cụm điểm) tăng nhanh từ 200,438ha (năm 2010) lên 641,658ha (năm 2020), đất công nghiệp hiện nay đạt trung bình là 8,3m2/người trên toàn tỉnh. Cơ cấu lao động khu vực nông nghiệp năm 2010 là 48%, năm 2020 giảm còn 31%; cơ cấu lao động làm việc ở khu vực II và III năm 2010 là 47,87%, năm 2020 là  65,82 %  tăng bình quân gần 1,8%/năm.

Hệ thống đô thị với sự phát triển ngày càng đồng bộ, hiện đại đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao mức sống, dân trí cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân từ 21% năm 2010 giảm xuống còn 17% năm 2020.

Đô thị mới Tu Mơ Rông đang từng bước hình thành. Ảnh: HN

 

Tuy nhiên, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, yếu kém. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đạt thấp, một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Việc triển khai lập, thực hiện giữa quy hoạch xây dựng với các quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu đồng bộ, thống nhất. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa hoàn thiện. Nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị chưa đảm bảo; việc lồng ghép các tiêu chí bền vững vào phát triển đô thị chưa hiệu quả.

Xác định vai trò quan trọng của phát triển đô thị đối với sự phát triển triển chung, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 40%; toàn tỉnh có 11 đô thị. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45%; toàn tỉnh có từ 11 đến 13 đô thị.

Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển mạng lưới đô thị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn trên địa bàn.         

Hà Nam

Chuyên mục khác