Phát triển công nghiệp những bước đi vững chắc

12/08/2022 13:20

Từ khi thành lập lại tỉnh đến nay (12/8/1991- 12/8/2022), tỉnh ta từng bước khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất công nghiệp, tạo ra chuyển biến rõ nét cả về quy mô và chất lượng. Qua đó, ngành công nghiệp  vươn lên mạnh mẽ, khẳng định được vai trò nền tảng trong sản xuất xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh, mạnh trong những năm vừa qua. Ảnh: TH

 

Theo đánh giá của Sở Công thương, khi mới chia tách tỉnh (năm 1991),  quy mô ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh ta vô cùng nhỏ bé, manh mún, thiếu vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, sản phẩm ít, chất lượng thấp. Toàn tỉnh chỉ có trên 300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chủ yếu là sản xuất nông cụ cầm tay, xà phòng, gạch ngói, đường thô... Giá trị tổng sản phẩm công nghiệp năm 1991 chỉ đạt 7,6 tỷ đồng.

Thế nhưng, xác định rõ vai trò động lực của sản xuất công nghiệp trong nền kinh tế, cùng với việc triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh ta tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như công nghiệp chế biến, sản xuất và phân phối điện nhằm khai thác và phát huy nội lực. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, khôi phục các nghề truyền thống, phát triển cơ khí sửa chữa sản xuất vật liệu xây dựng... Qua đó, ngành công nghiệp dần có chuyển biến và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế.

Chỉ 8 năm sau, đến năm 1999, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 13,24% trong GRDP toàn tỉnh, tăng 5,83% so với năm 1992, đây là sự nỗ lực phát triển vượt bậc trong sản xuất công nghiệp của tỉnh ta trong điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn.

 Nhưng khách quan nhìn nhận, đến năm 2000, ngành công nghiệp của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống xã hội của tỉnh; sản phẩm làm ra còn ít, kém chất lượng, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, bấp bênh.

Từ năm 2001 đến nay, thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tỉnh  ưu tiên đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp nhằm tăng nguồn lực cho địa phương và tạo việc làm ổn định cho người lao động, công nghiệp của tỉnh có những bước phát triển đáng kể.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch Khu công nghiệp Việt Nam; trong đó, có Khu công nghiệp Hòa Bình và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã có dự án đang hoạt động. 14 cụm công nghiệp được thành lập và được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 505,325 ha, trong đó có 8 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 307,725 ha.

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, những năm qua, ngành công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong toàn ngành, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo đúng định hướng. Quy mô ngành công nghiệp có sự tăng trưởng khá, năm 2021 là 7.650 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng hơn 19 lần so với năm 2002, tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng hiện chiếm gần 27% trong GRDP của tỉnh, tăng thêm gần 9% so với năm 2002.

Ngành công nghiệp chế biến có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của toàn ngành. Ảnh: TH

 

Trong cơ cấu giá trị sản xuất toàn ngành, công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 8 cơ sở chế biến tinh bột mì với tổng công suất thiết kế đạt 1.430 tấn/ngày; 1 doanh nghiệp sản xuất chế biến đường với công suất thiết kế khoảng 2.500 tấn/ngày; 11 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất đạt trên 60.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở thu mua và chế biến cà phê nhân, 27 cơ sở chế biến cà phê bột sản xuất được khoảng 120 tấn bột/năm, 3 cơ sở vừa chế biến cà phê bột vừa chế biến cà phê hòa tan. Lĩnh vực này đã phát huy tốt vai trò đầu tàu đưa công nghiệp của tỉnh phát triển với tỷ trọng chiếm trên 51% trong cơ cấu giá trị sản xuất các ngành công nghiệp và gần 12% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Khai thác lợi thế về tài nguyên nước, thời gian qua, tỉnh ta có nhiều chương trình, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển thủy điện. Từ đó, ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện của tỉnh có bước phát triển mạnh. Hiện toàn tỉnh có 28 công trình thủy điện vừa và nhỏ đang vận hành và 2 công trình thủy điện lớn là Thượng Kon Tum và Plei Krông với sản lượng điện ước đạt khoảng 2,8 tỷ kWh/năm đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tăng nguồn thu ngân sách.

Hiện nay, điện mặt trời, điện gió đang có những bước phát triển mạnh với tiềm năng phát triển rất lớn; trong đó, tiềm năng để phát triển dự án điện mặt trời khoảng 6.782,637 MWp và điện gió là khoảng 6.058MWp…

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh ta sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tập trung; chú trọng phát triển ngành công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu… Mục tiêu phấn đấu cuối năm 2025 khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 32-33% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.  

Thiên Hương

Chuyên mục khác