Phát triển chăn nuôi kết hợp trồng rau xanh ở vùng đồng bào DTTS

21/05/2023 06:01

Thời gian qua, chính quyền xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, xây dựng các mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nổi bật là mô hình hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng rau xanh trong vườn nhà đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Chúng tôi tìm về xã Pờ Ê để “mục sở thị” về mô hình phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng rau xanh trong vườn nhà mà đồng bào DTTS tại chỗ đang triển khai hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững tại nơi đây.

Biết được mục đích của chúng tôi, một cán bộ xã Pờ Ê vui vẻ đưa chúng tôi tham quan các mô hình phát triển kinh tế này.

Trên mảnh đất rộng gần 1.000m2, gia đình bà Y Biết ở thôn Vi Ô Lăk trồng rất nhiều loại rau, củ, quả như rau cải, rau lang, cà đắng, su su, bí xanh, bí đỏ, chuối. Nhờ được tưới nước, bón phân đầy đủ, vườn rau luôn xanh mướt, đủ phục vụ nhu cầu rau xanh cho bữa ăn của gia đình.

Vườn rau xanh tại thôn Vi Ô Lắc, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông. Ảnh: TL

 

Bà Y Biết chia sẻ: Gia đình tôi nuôi heo địa phương đã 5 năm nay, đàn heo luôn được duy trì từ 15 - 25 con. Trong thời gian này, gia đình tôi trồng thêm rau lang, khoai môn và các loại rau khác, sử dụng trong bữa ăn hàng ngày, giúp đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, hằng ngày, tôi cắt rau, trộn với cám gạo và nấu chín để làm thức ăn cho heo, giúp gia đình không tốn thêm chi phí mua thức ăn cho heo. 

Chị Đinh Thị Thóc, cùng ở thôn Vi Ô Lăk, tâm sự: Tận dụng thời gian nhàn rỗi, gia đình tôi trồng thêm rau và nuôi 20 con vịt xiêm trong vườn. Nguồn phân thải ra từ vịt xiêm được dùng để bón cho cây trồng; rau xanh làm thức ăn cho vịt nên rất thuận lợi trong việc phát triển kinh tế của gia đình.

Chị Phạm Thị Xoa ở thôn Vi K’Tàu cho hay: Gia đình tôi hiện đang nuôi hơn 30 con heo địa phương, trồng thêm vườn rau xanh để làm thức ăn cho heo. Tôi thấy việc nuôi heo địa phương mang lại hiệu quả kinh tế, nhu cầu của thị trường đối với heo giống và heo thịt (đối với giống heo địa phương) rất cao, nên người dân không lo về đầu ra.

Xã Pờ Ê hiện có đàn heo địa phương khoảng 560 con. Ngoài ra, một số hộ dân trên địa bàn còn chăn nuôi thêm gà, vịt để cải thiện bữa ăn cho gia đình và cung cấp thịt, trứng cho nhu cầu thị trường.

Thấy được hiệu quả mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng rau xanh trong vườn nhà, trên địa bàn xã Pờ Ê hiện có trên 50 hộ dân thực hiện mô hình này.

Chăn nuôi kết hợp với trồng rau xanh phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Ảnh: T.L

 

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị- xã hội của xã Pờ Ê tích cực tuyên truyền để người dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước giảm nghèo; vận động bà con duy trì và nhân rộng hiệu quả mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng rau xanh trong vườn nhà.

Năm 2023, xã Pờ Ê phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức dưới 10,75%, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm.

Ông Hoàng Văn Đạo- Chủ tịch UBND xã Pờ Ê khẳng định: Trong năm 2023, xã Pờ Ê tập trung nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân phát triển đàn gia súc, gia cầm; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân trên địa bàn xã tham gia. Đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; khuyến khích các hộ trồng đa dạng các loại rau xanh trong vườn nhà để cải thiện đời sống và tạo nguồn thức ăn ổn định cho vật nuôi. 

Tấn Lộc

Chuyên mục khác