Phát triển chăn nuôi gia súc ở Ia H’Drai: ​Hướng đi đã mở

29/07/2017 08:45

​Tôi đã giật mình khi được Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai- Nguyễn Văn Lộc cho biết tổng đàn gia súc của huyện đã đạt 3.378 con, trong đó, riêng đàn bò đạt 1.757 con. Như vậy, so với cuối năm 2016, đàn gia súc của huyện đã tăng hơn 55%...

“Trong thôn nhà nào cũng nuôi bò”

Già làng Trương Văn Thành (thôn 9, xã Ia Tơi) khẳng định một câu chắc nịch với tôi như vậy khi được hỏi thăm về chuyện chăn nuôi gia súc của bà con trong thôn. “Nhà ít thì 1-2 con, nhà nhiều thì đến 8-9 con”- ông lẩm nhẩm đếm rồi kết luận.

Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn, ông cười thích thú: Không tin à? Thật đấy. Ban đầu, chỉ vài ba nhà mua bò về thả bờ lô cao su, cỏ nhiều lắm, phun thuốc trừ cỏ thấy tiếc. Rồi bò lớn nhanh, sinh sôi nảy nở, bán đi có tiền mua sắm vật dụng trong nhà, nên nhiều nhà học theo, vay tiền mua bò về nuôi, thành ra, chỉ hơn 1 năm nhà nào cũng nuôi bò.

Tôi nói với ông rằng, không chỉ tôi mà nhiều người sẽ bất ngờ khi nghe chuyện này. Thôn 9 là thôn xa nhất, heo hút nhất của xã Ia Tơi, trong số 120 hộ dân của thôn thì có tới 90 hộ thuộc diện nghèo. Năm ngoái, khi tôi vào đây, cả thôn mới có nhà ông Mai Viết Thách - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn nuôi bò, thế mà chưa tới 1 năm, nay trở lại, hầu hết hộ gia đình đã nuôi bò, không “choáng” sao được.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Ia H'Drai. Ảnh: T.H

 

Rồi ông Thành gọi thêm ông Thách, 2 ông xăng xái dẫn tôi đi thăm một số gia đình có nuôi bò trong thôn. Ghé vào nhà anh Mạc Văn Đức, gọi mãi mới thấy anh lò dò từ vườn sau lên. Hỏi ra mới biết anh đang lui cui làm chuồng bò. “Gia đình em mới vay tiền để đầu tư phát triển chăn nuôi, hôm nọ đã đi chọn được 3 con bò ưng ý rồi, đang làm chuồng để bắt bò về” - Lau 2 bàn tay lấm lem đất lên vạt áo, Đức khoe như vậy.

Cũng như những hộ gia đình khác trong thôn, năm 2010, vợ chồng Đức dắt díu nhau rời huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào đây lập nghiệp. Cả 2 vợ chồng đều xin vào làm công nhân của Công ty CP Đầu tư phát triển Duy Tân, nhận khoán chăm sóc 6,5ha cao su. Gặp thời điểm cao su rớt giá, lương khoán thấp, giỏi tằn tiện cũng chỉ đủ no nên cuộc sống khá khó khăn. Suy đi tính lại, vợ chồng quyết định vay tiền phát triển thêm chăn nuôi...

Đi xem chuồng bò vợ chồng Đức đang hoàn thành, khá vững chãi, sạch sẽ, tôi hỏi: Nhận khoán 6,5ha cao su, lại nuôi thêm bò, có vất vả lắm không? “Không đâu anh. Nuôi bò cũng dễ mà, thức ăn có sẵn, bờ lô cao su thiếu gì cỏ, chỗ chăn thả cũng rộng rãi” - vợ Đức, chị Hà Thị Cao trả lời thay chồng.

Ông Thành hóm hỉnh: Hôm nay vợ chồng Đức phải khao to đấy nhé. Đầu năm được hỗ trợ xóa nhà tạm, giữa năm vay tiền mua bò, cứ chăm chỉ làm ăn, chẳng mấy mà cuộc sống sẽ khấm khá lên thôi.

Vợ chồng Đức cười, mắt ánh lên niềm tin...!

Lực đẩy từ Nhà nước

Trước khi vào thôn 9, tôi làm việc với UBND huyện Ia H’Drai về thực trạng và định hướng phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện. Và tôi đã giật mình khi được Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai - Nguyễn Văn Lộc thông báo tổng đàn gia súc của huyện đã đạt 3.378 con, trong đó, riêng đàn bò đạt 1.757 con. Bởi nếu tôi nhớ không nhầm, cuối năm 2016, tổng đàn gia súc của huyện là 2.165 con, trong đó đàn bò là 1.186 con...

Anh Lộc nhẹ nhàng: Dù Ia H’Drai được đánh giá là có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc, như trâu, bò, dê…, nhưng để phát triển chăn nuôi không hề dễ dàng. Trước hết, điều kiện thời tiết khắc nghiệt lắm, vào mùa khô nắng nóng, khô hạn kéo dài, thiếu nguồn thức ăn xanh và nguồn nước uống cho gia súc.

Tiếp đó là công tác chọn giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện sinh thái của vùng chưa được thực hiện; chưa có dịch vụ cung ứng giống vật nuôi, nên con giống đều do các hộ tự tìm, chưa được kiểm soát về chất lượng; người dân chưa có điều kiện tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi mới, các chương trình phòng chống dịch bệnh nên dễ xảy ra rủi ro. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn...

“Vì thế, với tổng đàn gia súc như vậy, nếu đem so với các địa phương khác thì nhằm nhò gì, nhưng với địa bàn nhiều khó khăn như Ia H’Drai lại là một con số đáng kể” - anh Lộc bộc bạch.

Để đạt được kết quả trên, trong thời gian qua, UBND huyện Ia H’Drai đã xây dựng và triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển cây trồng vật nuôi 2016 -2021, trong đó xác định cụ thể mục tiêu phát triển đàn gia súc (gồm các loại vật nuôi chủ yếu là trâu, bò, dê, heo); ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, vốn tín dụng ưu đãi cho hộ gia đình vay, đầu tư phát triển chăn nuôi...

Đặc biệt, xuất phát từ tình hình thực tế, huyện Ia H’Drai đã lồng ghép linh hoạt nguồn kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ các hộ gia đình làm chuồng trại chăn nuôi, mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/hộ.

Tôi đã đến thăm hộ ông Hà Văn Thành (thôn 1, xã Ia Dom), một trong số gia đình được hỗ trợ kinh phí làm chuồng trại nuôi bò. Ông hể hả: Năm 2015, gia đình tôi vay 15 triệu đồng mua bò nuôi, điều kiện khó khăn nên chuồng trại tạm bợ lắm, mới đây được huyện hỗ trợ 5 triệu làm chuồng trại mới, tôi định đầu tư mua thêm bò về nuôi.

Rõ ràng là, với lực đẩy từ Nhà nước, người dân Ia H’Drai đang mạnh dạn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Còn rất nhiều việc phải làm để chăn nuôi gia súc trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện - anh Lộc cho biết - Hiện chúng tôi đang ưu tiên triển khai việc tuyển chọn, quản lý chất lượng con giống theo quy định; hướng dẫn bà con xây dựng chuồng trại phù hợp với điều kiện của địa bàn huyện (đảm bảo đủ ấm khi thời tiết giá rét và đủ thoáng mát về mùa khô); tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; phát triển diện tích trồng thức ăn chăn nuôi...

Thành Hưng

Chuyên mục khác