Phát triển cây dược liệu ở Kon Plông

05/10/2020 13:04

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh, Quyết định số 1466 của UBND tỉnh về Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bước đầu việc đầu tư phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Kon Plông mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Phát triển diện tích cây dược liệu

Trong 2 năm 2019-2020, huyện Kon Plông triển khai trồng được trên 150ha cây dược liệu như đảng sâm, đương quy, sa nhân, nghệ, đạt 124% so kế hoạch giai đoạn 2018-2020; trong đó, diện tích Nhà nước hỗ trợ cho nhân dân trồng 96ha, diện tích các tổ chức, cá nhân tự đầu tư gần 60ha.

Tìm hiểu thực tế tình hình đầu tư phát triển cây dược liệu tại xã Măng Cành (huyện Kon Plông), chúng tôi được biết, 2 năm qua, diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn xã đạt gần 30ha. Trong đó, có 4,2 ha được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước với 77 hộ  nghèo, cận nghèo tham gia tại 9/9 thôn; diện tích các hộ tự mua giống để nhân rộng mô hình là 1,2ha với 10 hộ thực hiện tại 4/9 thôn; 5 doanh nghiệp và 4 HTX đóng chân trên địa bàn trồng được 24,5ha. Có 26 hộ tại 3 thôn (Măng Cành, Đăk Ne, Kon Kum) trồng cây đương quy với diện tích 1,49ha; 15 hộ ở 4 thôn (Măng Mô, Đăk Ne, Kon Kum và Kon Năng) trồng 1,68ha đảng sâm.

Chăm sóc sâm dây. Ảnh: Q.Đ

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Lê Đức Tín cho hay, song song với việc phát triển diện tích trồng cây dược liệu, UBND huyện còn chỉ đạo các xã, thị trấn khoanh vùng, bảo tồn các loại cây dược liệu tự nhiên dưới tán rừng với tổng diện tích trên 735ha. Đáng chú ý, thị trấn Măng Đen bảo tồn 230ha sim rừng; Ngọc Tem 138ha cây chuối rừng; Măng Cành bảo tồn 3,36ha chuối rừng, 27,15ha chè dây, 36ha tiêu rừng; Măng Bút bảo tồn 59,13ha cây cốt toái bổ, 6ha sơn tra, 125ha tiêu rừng; Pờ Ê bảo tồn 19,34ha chuối rừng, 76ha sim rừng và xã Đăk Tăng bảo tồn 16,41ha tiêu rừng. Đồng thời, giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý khai thác bền vững; rà soát, khoanh vùng các loài cây dược liệu như sâm cau, giảo cổ lam, ngũ vị tử... để đưa vào kế hoạch quản lý, khai thác có hiệu quả.

Hiệu quả kinh tế

Theo ông Lê Đức Tín, nhiều diện tích cây dược liệu do doanh nghiệp và hộ dân trồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Cụ thể như cây đảng sâm, diện tích bình quân 0,1ha/hộ, năng suất đạt khoảng 3.900kg/ha, thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha và thu nhập bình quân cho 1 hộ dân là 60 triệu đồng. Trong khi đó, diện tích bình quân của 1 doanh nghiệp là 3ha, đầu tư hệ thống tưới, trồng đúng quy trình kỹ thuật, năng suất đạt cao hơn 6.000kg/ha, thu nhập 1 tỷ đồng/ha, doanh thu bình quân của doanh nghiệp là 3 tỷ đồng. Hay như cây đương quy, diện tích bình quân 0,05ha/hộ, năng suất đạt khoảng 14 tấn/ha, thu nhập khoảng 350 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân 1 hộ dân là 17,5 triệu đồng. Trong khi đó, diện tích bình quân của 1 doanh nghiệp 2,7ha, đầu tư hệ thống tưới, trồng đúng quy trình kỹ thuật, năng suất đạt cao hơn 20 tấn/ha, thu nhập 500 triệu đồng/ha, doanh thu bình quân của doanh nghiệp đạt 1,35 tỷ đồng. Hoặc cây nghệ, năng suất khoảng 15 tấn/ha, thu nhập khoảng 110 triệu đồng/ha...

Công nhân Công ty Việt Khang Nông chăm sóc cây đảng sâm. Ảnh: Q.Đ

 

Đến nay, huyện Kon Plông đã thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư chế biến sâu tạo ra một số sản phẩm từ dược liệu như cao đảng sâm, cao đương quy, tinh dầu tiêu rừng, rượu đảng sâm, nước ép dược liệu, trà túi lọc. Bước đầu việc liên kết tiêu thụ, chế biến dược liệu giữa người dân với doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo đầu ra cho sản phẩm của người dân và nâng cao giá trị các nông sản. Hiện nay, một số sản phẩm đã được liên kết sản xuất và bao tiêu như cây đảng sâm, đương quy, ba kích, sa nhân. Các doanh nghiệp ký kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm dược liệu trồng và dược liệu khai thác ngoài tự nhiên như Công ty dược liệu Thái Hòa, Hợp tác xã Tuyết Sơn, Hợp tác xã Trường Tiến, Trang trại trồng trọt Hà Văn Đại... đã đưa sản phẩm đảng sâm (củ và lá đảng sâm) vào tiêu thụ tại siêu thị Big C Miền Trung.

Huyện Kon Plông đã thu hút được 16 dự án đăng ký đầu tư nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển dược liệu với tổng vốn khoảng 6.262 tỷ đồng. Đến nay, đã 10 dự án thực hiện đầu tư sản xuất dược liệu, chế biến dược liệu với tổng vốn đã thực hiện trên 200 tỷ đồng; 6 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đang chuẩn bị đầu tư; có 3 dự án đăng ký, tìm hiểu cơ hội đầu tư.

UBND huyện Kon Plông đã đặt hàng nghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm từ cây dược liệu như quy trình chế biến và mô tả tác dụng của sản phẩm cao đảng sâm (dạng đặc, dạng lỏng); kẹo viên đảng sâm, kẹo viên đảng sâm - mật ong rừng Măng Bút; gói hoà tan đảng sâm; gói hoà tan đảng sâm phối vị với mật ong rừng Măng Búk; bột gạo đỏ Măng Búk-GABA. Các doanh nghiệp, hợp tác xã thiết kế nhãn hiệu, logo, bao bì sản phẩm, sử dụng mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã chế biến. Thời gian qua, UBND huyện đã hỗ trợ 8 các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại làm mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm với 153.000 tem, kinh phí 100 triệu đồng.

Định hướng phát triển

Ông Đào Duy Khánh - Bí thư Huyện ủy Kon Plông cho biết: Trong thời gian tới, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc liên kết sản xuất, cùng nhau sản xuất một loại sản phẩm tại một vùng sản xuất; tổ chức thực hiện xây dựng “cánh đồng lớn” đến tận các thôn, để người dân đồng tình, tham gia để phát triển cây dược liệu tập trung thành những cánh đồng lớn. Giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính; tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển và chế biến cây dược liệu; chỉ đạo chính quyền các cấp khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến sản phẩm dược liệu trên địa bàn huyện.

Chị Y Mua đang chăm sóc trên 5.000 cây đương quy của gia đình. Ảnh: Q.Đ

 

Xây dựng kế hoạch bảo tồn, thu hái bền vững cây dược liệu gắn với giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ nông dân; thu hút các doanh nghiệp liên kết với các tổ hợp tác bảo tồn dược liệu gắn với quản lý bảo vệ rừng, điều tra dược liệu dưới tán rừng. Bố trí diện tích rừng và đất lâm nghiệp, diện tích đất nông nghiệp phù hợp để đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu tập trung quy mô lớn; gắn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển cây dược liệu; đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp phù hợp sang trồng dược liệu để phát triển vùng dược liệu tập trung.

Huyện chú trọng thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ nghiên cứu chọn, tạo giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, phục vụ sản xuất rộng rãi nguồn giống dược liệu phổ biến trong khám chữa bệnh, có chất lượng, giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sản xuất, công nghệ chế biến. Xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu. Có giải pháp hỗ trợ giống một số loài dược liệu có thế mạnh cho tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hộ để liên kết trồng, tiêu thụ dược liệu theo chuỗi giá trị; chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch dược liệu theo tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới (WHO-GACP), gắn với chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo phát triển bền vững.

Ðến nay, huyện Kon Plông đã huy động nguồn vốn đầu tư phát triển, chế biến dược liệu 26.977,5 triệu đồng; trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 12.077,5 triệu đồng, vốn nhân dân đối ứng trên 1.500 triệu đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu khoảng 13.400 triệu đồng. Huyện có 2 cơ sở cung ứng một số loại giống dược liệu; có 6 doanh nghiệp và 1 trang trại sản xuất cây dược liệu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương với diện tích 26,1ha.

Quang Định

Chuyên mục khác