Phát triển cây chè ở vùng Đông Trường Sơn

28/06/2024 07:11

Cùng với việc phát triển các loại rau hoa, cà phê xứ lạnh thành từng vùng chuyên canh, thì cây chè cũng đã và đang được huyện Kon Plông khuyến khích đẩy mạnh tập trung phát triển diện tích, trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực để giúp người dân giảm nghèo bền vững. Đồng thời, hướng tới xây dựng sản phẩm chè thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Các xã được huyện quy hoạch phát triển cây chè là Hiếu, Pờ Ê, Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành và thị trấn Măng Đen; trong đó, xã Hiếu và Pờ Ê là 2 địa phương phát triển mạnh diện tích cây chè.

Để hiện thực hóa chủ trương đó, huyện Kon Plông đã ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện mô hình dự án trồng chè để cho người dân học tập, làm theo. Trong năm 2023 và 2024, huyện triển khai 3 dự án liên kết chuỗi giá trị từ nguồn vốn chương trình MTQG với tổng vốn 1,771 tỷ đồng tại xã Hiếu, Pờ Ê. Đặc biệt, huyện đã xây dựng dựng được một chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị về trồng, khai thác, chế biến sản xuất phân phối tiêu thụ sản phẩm chè xanh và chè Ô long giữa HTX Chè sạch Đông Trường Sơn và xã Hiếu, Pờ Ê. Cho đến nay, toàn huyện đã trồng được gần 100ha chè tại 2 xã trên, trong năm 2024, huyện tiếp tục có kế hoạch phát triển thêm mới 183,5ha. Hiện, các xã, thị trấn đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả như mì, bời lời sang trồng chè và đến nay đã có hàng chục hộ ở xã Pờ Ê và xã Hiếu đăng ký trồng hàng chục hécta chè.

Bà con xã Hiếu liên kết với hợp tác xã phát triển diện tích chè. Ảnh: PN

 

Tìm hiểu thực tế tại xã Hiếu- một trong những địa phương có vùng sản xuất chè lớn nhất huyện- hiện nay, đồng bào DTTS ở đây đang tích cực chuyển đổi diện tích cây mì kém hiệu quả sang liên kết trồng cây chè với HTX Chè sạch Đông Trường Sơn.

Theo ông Phan Thế Vinh- Chủ tịch UBND xã Hiếu, cây chè bắt đầu phát triển tại địa phương từ năm 2019 khi HTX Chè sạch Đông Trường Sơn được thành lập và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến. Cũng từ đây, đồng bào DTTS trên địa bàn bắt đầu liên kết với HTX tiến hành trồng và phát triển diện tích chè trên địa bàn. Cho đến nay, toàn xã đã có hàng chục hộ dân liên kết trồng chè với diện tích hơn 64ha. Nhờ cây chè mà nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn không chỉ thoát nghèo mà đời sống được cải thiện rõ rệt.

“Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của huyện, chúng tôi đang tích cực vận động bà con tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển được 250ha chè trên địa bàn, nhất là tập trung phát triển tại các thôn Tu Cần, Vi Choong, Kon Klùng”- ông Vinh cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hằng- Quản lý HTX Chè sạch Đông Trường Sơn cho biết: Xã Hiếu là vùng đất phù hợp để tạo ra một vùng chè chất lượng nên từ năm 2019, chúng tôi đã quyết định đầu tư vùng nguyên liệu chè, liên kết với người dân mở rộng diện tích, đồng thời, xây dựng nhà máy chế biến ngay tại xã. Sau hơn 5 năm triển khai, HTX trồng được hơn 40ha chè và liên kết trồng với bà con được hơn 30 ha. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè khắp các vùng lân cận, hỗ trợ cây giống, hướng dẫn cách chăm sóc cây chè, đảm bảo đầu ra cho bà con, giúp bà con có thu nhập ổn định và yên tâm canh tác.

Nhờ chăm sóc chè cho HTX và liên kết trồng chè nguyên liệu, nhiều gia đình có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao, như hộ A Do (thôn Tu Cần), A Diêm (thôn Đăk Lôm), A Ren (thôn Vi Choong).

Chế biến Chè tại HTX chè sạch Đông Trường Sơn. Ảnh: P.N

 

Ông A Ren (thôn Vi Choong) chia sẻ: Gia đình tôi có 2 sào đất rẫy, ngày trước tôi chỉ trồng mì, giá cả lên xuống thất thường nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi chính quyền xã vận động, tuyên truyền và HTX tạo điều kiện, hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây chè và thu mua sản phẩm với giá 10.000 đồng/kg, gia đình tôi đã chuyển diện tích trồng mì sang trồng chè. So với cây trồng khác, trồng chè đạt hiệu quả hơn nhiều, nhờ đó, kinh tế gia đình đã dần ổn định và có tiền dành dụm để cho con ăn học.

Ông Phan Thế Vinh- Chủ tịch UBND xã Hiếu cho biết: Việc cây chè mang lại hiệu quả tích cực là điều rất mừng. Cây chè hiện cũng đang mở ra hướng đi nhiều triển vọng giúp bà con thay đổi, nếp nghĩ cách làm, nâng cao đời sống. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phát triển các mô hình kinh tế nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX tại địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ cho HTX Chè sạch Đông Trường Sơn hoạt động có hiệu quả, giúp người dân địa phương thoát nghèo nhanh và bền vững.

Cũng giống như xã Hiếu, xã Pờ Ê cũng là một trong những địa phương được chọn để phát triển diện tích chè. Vì vậy, chính quyền xã cũng đã tích cực tuyên truyền vận động người dân phát triển diện tích chè và đến nay, toàn xã cũng đã phát triển được hơn 30ha. Trong năm 2024, xã Pờ Ê tiếp tục phấn đấu phát triển hơn 100ha cây chè; trong đó, trồng mới gần 70ha (doanh nghiệp gần 50ha và của dân 20ha).

Để đảm bảo vùng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu chè, cũng như nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, huyện Kon Plông đã xây dựng mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hình thành vùng trồng chè 500ha. Trong đó, vùng trồng cây chè tập trung tại xã Hiếu, Pờ Ê (đạt 300ha), các xã Măng Bút, ĐăkTăng, Măng Cành và thị trấn Măng Đen (mỗi xã 50ha). Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi sang trồng cây chè vừa để hoàn thành mục tiêu đề ra.        

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác