Phát triển cây ăn quả: Hướng đi triển vọng ở Ia Dom

23/08/2022 06:05

Trở lại xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai) sau 3 năm, tôi nhận thấy bộ mặt của xã vùng biên này có rất nhiều đổi khác. Từ một địa bàn chủ yếu trồng cao su, điều, mì, đến nay, ở xã đã xuất hiện thêm nhiều diện tích trồng cây ăn quả. Đây có thể nói là một nét đột phá của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao.
Trồng sầu riêng phát triển kinh tế. Ảnh: TT

 

Ông Vi Văn Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dom thông tin, hiện trên địa bàn xã có khoảng 40 hộ dân đang canh tác cây ăn trái (chủ yếu là sầu riêng, cam, chuối,…) với tổng diện tích gần 17ha. Đồng thời, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tích cực trồng cây ăn quả với khoảng 100ha.

Để việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn đạt hiệu quả, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, các phòng, ban của huyện chọn một số hộ xây dựng mô hình điểm, để tổ chức tập huấn kỹ thuật, kiểm tra hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức nghiệm thu tổng kết mô hình rồi từ đó nhân rộng.

Về cơ sở để tìm hiểu rõ hơn về việc chuyển đổi trồng cây ăn quả trên địa bàn, tại thôn 2, chúng tôi gặp ông Từ Công Dũng, hộ nông dân trồng sầu riêng. Ông Dũng chia sẻ về quá trình chuyển đổi cây trồng của mình: Dựa vào kinh nghiệm làm nông lâu năm trên mảnh đất này, tôi xác định thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây rất phù hợp để trồng cây ăn quả, nhưng chưa mạnh dạn chuyển đổi. Khi chính quyền địa phương vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi trồng cây ăn quả, tôi mạnh dạn thử nghiệm trồng sầu riêng. Qua thời gian theo dõi, những cây được trồng đều phát triển tốt và cho năng suất cao. Thấy vậy, tôi dần chuyển đổi diện tích cà phê của mình sang cây sầu riêng. Hiện tại, tôi đã có khoảng 300 cây sầu riêng với tổng diện tích 3ha.

Chỉ tay vào một cây sầu riêng, ông Dũng phấn khởi: Cây này đã được 5 năm tuổi rồi. Năm nay, bình quân mỗi cây cho hơn 1 tạ quả. Kể cả khi tôi bán thấp hơn so với giá thị trường (khoảng 50 nghìn đồng/kg) thì cũng thu lãi được 5 triệu đồng/cây. Chưa kể, theo chu kỳ phát triển, cây sầu riêng năm sau sẽ ngày càng cho sai quả hơn năm trước. Lợi nhuận hàng năm cứ theo đó mà tăng lên.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn (1ha khoảng 45 triệu đồng). Bên cạnh đó, người trồng phải nắm vững kiến thức chăm sóc, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác thì cây mới phát triển tốt được.

Đến thôn 1, xã Ia Dom, tôi gặp gỡ ông Phạm Văn Tân. Được biết, nhờ mô hình canh tác cam và quýt đường, giữa năm 2020, ông Tân đã xin thoát khỏi hộ nghèo. Ông Tân chia sẻ: Nhằm đảm bảo cho mô hình của mình phát triển tốt nhất, tôi lặn lội vào tận miền Tây tìm mua cây giống. Đồng thời, bản thân cũng tham quan, học hỏi các mô hình trồng cam và quýt đường thành công. Sau nhiều tháng tìm tòi, học hỏi, tôi đã đủ tự tin để triển khai mô hình. Hiện tại, mỗi cây cam năm thứ 6 thu khoảng 40kg quả. Với 200 gốc cam, tôi có nguồn thu khoảng 60 triệu đồng (đã trừ chi phí). Tương tự, với cây quýt đường, hiện có khoảng 100 gốc, trung bình một năm (trừ chi phí) tôi thu khoảng 30 triệu đồng.

Theo ông Tân, gần đến vụ thu hoạch, thương lái vào tận các hộ gia đình trên địa bàn để đặt trước. Nhờ vậy, ông không lo về đầu ra sản phẩm, mà chỉ tập trung chăm sóc, canh tác để xuất ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất.

Những vườn chuối xanh ngát trên mảnh đất vùng biên. Ảnh: TT

 

Đối với các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn cũng xác định phát triển cây ăn quả thực sự có tiềm năng lớn. Theo lời giới thiệu từ cán bộ xã Ia Dom, tôi có cơ hội được trao đổi trực tiếp với đại diện Công ty CP Đầu tư và phát triển Duy Tân. Được biết trong nhiều năm qua, cây cao su được xác định là loại cây độc canh mà Công ty hướng đến. Tuy nhiên, theo hướng đi mới hiện nay, Công ty đã sử dụng diện tích đất còn trống của mình để phát triển chuối và cây sầu riêng. Cụ thể, Công ty đang có 60ha chuối, dự kiến đến cuối năm nay sẽ tăng thêm 40ha. Đối với cây sầu riêng, Công ty hiện có 32ha và đang tiếp tục mở rộng diện tích. 

Để cây chuối và sầu riêng phát triển tốt nhất, Công ty đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác. Đồng thời thuê chuyên gia và người có tay nghề vững để theo dõi, hướng dẫn đội ngũ công nhân chăm sóc cây trồng đúng quy trình kỹ thuật. Trong thời gian tới, Công ty chủ trương tiếp tục chú trọng phát triển cây ăn quả nhằm phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Ông Vi Văn Hùng cho biết: Thời gian qua, xã Ia Dom đã chủ động, linh hoạt trong công tác đưa tiến bộ khoa học công nghệ đến với người dân; giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, việc trồng cây ăn quả còn nhỏ lẻ, không tập trung, nên chưa thành lập được tổ liên kết, tổ hợp tác. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con thực hiện liên kết, hợp tác trồng cây ăn quả để mang lại hiệu quả hơn.

Để hỗ trợ Ia Dom cũng như các xã khác trên địa bàn, huyện Ia H’Drai đã và đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các địa phương trong và ngoài tỉnh triển khai xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, trong đó có cây ăn quả; chú trọng hình thành tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả bền vững, phát huy vai trò của những cây trồng chủ lực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm cây ăn quả thông qua nền tảng số.

Ông Bùi Văn Nhàng- Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết: Thời gian tới, huyện Ia H’Drai tiếp tục rà soát diện tích cây trồng kém hiệu quả trên địa bàn để chuyển sang trồng cây ăn quả; phát huy nội lực của nhân dân để đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất; xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất, xác định các loại cây trồng có lợi thế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng theo hướng sản xuất hàng hóa; chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng dẫn liên kết sản xuất, tiệu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã, thực hiện tốt vai trò đồng hành cùng người dân.

Có thể nhận thấy, xã Ia Dom là một trong những địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển cây ăn quả. Với chủ trương hợp tác sản xuất theo hướng quy mô lớn, quan tâm chuỗi liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của chính quyền địa phương, hy vọng, việc chuyển đổi cây trồng, phát triển cây ăn quả sẽ mang lại những chuyển biến tích cực hơn nữa, góp phần xây dựng vùng biên ngày càng giàu đẹp, phát triển.     

Tất Thành

Chuyên mục khác