Phát triển các nguồn năng lượng bền vững

01/11/2023 13:04

Phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình phát triển của tỉnh.

Thực hiện quan điểm nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 132-KH/TU, ngày 28/5/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.

Qua hơn 3 năm thực hiện, tình hình phát triển các nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả tích cực.

Về xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tiềm năng phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh là 6.287,40 MW. Ảnh: TM

 

Xây dựng, duy trì các kênh đối thoại để giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư để phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của tỉnh. Xây dựng và triển khai chính thức Hệ thống giám sát, theo dõi quản lý tiến độ dự án đầu tư tỉnh Kon Tum.

Chỉ đạo các sở, ngành chức năng cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch liên quan của địa phương để tránh chồng lấn với các quy hoạch phát triển ngành năng lượng hiện nay và trong thời gian tới. Đến nay, hiện trạng và phương án phát triển mạng lưới hạ tầng điện lực trên địa bàn tỉnh đã được thể hiện tại các nội dung trong Quy hoạch tỉnh trên cơ sở kế thừa và tích hợp các nội dung của Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035. 

Các kế hoạch phát triển năng lượng tại địa phương đều gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia và các phân ngành năng lượng (chú trọng với các nguồn năng lượng sạch tái tạo); các quy hoạch về sử dụng đất, mặt nước, hạ tầng giao thông, đô thị, phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, việc phát triển các nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trên địa bàn tỉnh có 82 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch. Ảnh: TM

 

Về dầu khí, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), trên địa bàn tỉnh có 43 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 91 cửa hàng bán lẻ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu; 1 trạm nạp LPG (công suất chiết nạp trung bình khoảng 2.300kg/năm) và 3 thương nhân kinh doanh mua bán LPG và 105 cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ LPG chai.

Về phát triển thủy điện, trên địa bàn tỉnh có 82 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 879,1MW (hiện đang đề nghị Bộ Công thương xem xét, thống nhất loại khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đối với 4 dự án); 2 nhà máy thủy điện lớn là Plei Krông (công suất 100MW) và Thượng Kon Tum (công suất 220MW).

Hiện nay, tỉnh đang tạm dừng xem xét, khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch để đánh giá kỹ hơn tình hình thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư các dự án thủy điện và các tác động đến môi trường, rừng.

Đối với điện gió, theo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tiềm năng phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh là 6.287,40 MW.

Tỉnh đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển các dự án điện gió để lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 2 dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất 153,5 MW.

Về điện mặt trời, theo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tiềm năng phát triển điện mặt trời của tỉnh là 18.702,4MW.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện VII đối với dự án Nhà máy điện mặt trời nổi Ialy Kon Tum (200MWp); Bộ Công thương bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đối với dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 (49MWp, đã đóng điện tháng 11/2020).

Đồng thời, đã đưa vào vận hành tổng cộng 1.444 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 161.196kWp, trong đó, có 159 dự án/hệ thống có công suất đặt ≥100 Wp và 1.285 dự án/hệ thống có công suất đặt <100kWp.

Tỉnh cũng khuyến khích khai thác tiềm năng phát triển điện sinh khối, rác thải, chất thải rắn và các nguồn năng lượng khác. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 máy phát điện sử dụng bã mía, công suất 1,5MW của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, chủ yếu để cung cấp điện phục vụ sản xuất cho nhà máy đường Kon Tum.

Xác định phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh, các cấp, các ngành tiếp tục xây dựng các quy định, hướng dẫn cụ thể về thu hồi đất; đơn giá bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trong đó, có dự án năng lượng.

Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà  nước về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện các dự án năng lượng để nhân dân hiểu và đồng thuận.

Trịnh Minh

Chuyên mục khác