Phát triển cà phê xứ lạnh ở Kon Plông

31/10/2024 13:14

Nhằm phát huy hiệu quả cây cà phê xứ lạnh, thời gian qua, huyện Kon Plông đã nỗ lực triển khai Đề án “Khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và ban hành Đề án “Phát triển cây cà phê xứ lạnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Kon Plông”.

Huyện đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 phát triển được hơn 2.000 ha cà phê xứ lạnh. Theo đó, trong những năm qua, ngay từ đầu mùa vụ, UBND huyện đều chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các xã, thị trấn bám sát chỉ tiêu được giao để tổ chức thực hiện, đồng thời tiến hành kiểm tra việc trồng mới, chăm sóc cây cà phê xứ lạnh trong các hộ dân. Riêng năm 2024 này, huyện phấn đấu trồng mới 300 ha, tính đến nay, các địa phương đã triển khai được 211ha (Măng Cành 60ha; Đăk Tăng 86,2ha, Măng Bút 22ha, xã Hiếu 22ha; Pờ Ê 15,2ha, thị trấn Măng Đen 5,6ha), đạt 70,3% kế hoạch, nâng tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện lên 871,2ha. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành trồng mới và dự kiến cuối năm thực hiện trồng mới 240/300ha, đạt 80% kế hoạch năm.

Người dân trồng và phát triển diện tích cà phê xứ lạnh. Ảnh: H.N

 

Theo UBND xã Hiếu, năm 2024, xã được giao chỉ tiêu trồng mới 35ha cà phê xứ lạnh. Đến nay, qua tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiến hành trồng mới được 22ha, nâng tổng diện tích cà phê xứ lạnh trên địa bàn xã lên hơn 50ha. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho người dân phát triển cây cà phê xứ lạnh, từ nguồn vốn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, xã đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng mô hình cà phê trình diễn tại thôn Vi Glơng, quy mô 2 ha, với 6 hộ tham gia. Hiện nay các hộ đã triển khai trồng xong và tiếp tục chăm sóc theo quy trình ngành hướng dẫn.

Để phát triển cà phê xứ lạnh theo hướng bền vững, theo ông Lê Đức Tín – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, huyện luôn quan tâm bố trí lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện và 3 chương trình MTQG để hỗ trợ cho nhân dân nguồn cây giống cây cà phê xứ lạnh có năng suất cao, chất lượng tốt, phục vụ trồng mới.

Cụ thể, thời gian qua, huyện Kon Plông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện các dự án liên kết cây cà phê. Cụ thể, triển khai tại xã Đăk Tăng 1 dự án quy mô 4ha, có 10 hộ tham gia; xã Hiếu 2 dự án với quy mô 13,3ha, có 36 hộ tham gia; xã Pờ Ê 1 dự án quy mô 3,6ha có 13 hộ tham gia; phối hợp xây dựng mô hình tái canh cây cà phê tại xã Đăk Tăng bằng nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh với quy mô 2ha, có 10 hộ tham gia.

Năm 2024, Kon Plông phấn đấu trồng 300 ha cà phê xứ lạnh. Ảnh: HN

 

Bên cạnh đó, huyện còn triển khai dự án hỗ trợ phát triển cây cà phê liên kết theo chuỗi trị giữa HTX cà phê xứ lạnh Măng Đen Forest với nhân dân trên địa bàn xã Măng Cành đã triển khai trồng mới thực hiện hơn 25 ha. Đồng thời, hỗ trợ các hộ dân phục hồi, tái canh các diên tích cà phê già cỗi, xây dựng vùng trồng và vùng nguyên liệu tập trung tại thôn Kon Chiêng, xã Măng Cành; thu mua sản phẩm cà phê của nhân dân, phát triển các sản phẩm và xây dựng thương hiệu Cà phê xứ lạnh Măng Đen; đẩy mạnh và xúc tiến thương mại sản phẩm cà phê, tham gia Hội chợ triển lãm quốc tế (ITE HCMC 2024) của 38 quốc gia vùng lãnh thổ, với 700 nhà lãnh đạo thuộc các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới, qua Hội chợ Ban tổ chức, ghi nhận liên kết hợp tác và đánh giá cao sản phẩm Cà phê xứ lạnh Măng Đen.

Tuy nhiên, việc phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn, chỉ tiêu trồng mới năm 2024 khó đạt theo kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do quỹ đất phục vụ trồng mới cà phê xứ lạnh tại các địa phương còn rất hạn chế, diện tích manh mún, nhỏ lẻ, khó hình thành vùng chuyên canh tập trung hàng hóa; khó khăn trong việc chuyển đổi từ diện tích trồng mì, trong khi cây mì được xem là cây xóa đói giảm nghèo của người dân, nhất là đồng bào DTTS tại chỗ. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế của người dân trên địa bàn còn khó khăn nên ít quan tâm đầu tư phân, thuốc bảo vệ thực vật để bón phân, phun thuốc khi bị sâu bệnh, vặt chồi, cắt cành, tạo tán còn nhiều hạn chế nên năng suất, chất lượng chưa cao.

Phát huy hiệu quả cà phê xứ lạnh trên địa bàn, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong việc quan tâm bố trí các nguồn vốn từ 3 chương trình MTQG để hỗ trợ cho nhân dân nguồn cây giống cà phê xứ lạnh có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ trồng mới. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cây mì, bời lời kém hiệu quả sang trồng cây cà phê, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung hàng hóa, xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Mở các lớp tập huấn kỹ thuật kết hợp thực tế tại vùng sản xuất giúp nhân dân chăm sóc theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cà phê. Xây dựng các mô hình phát triển cà phê xứ lạnh, thu hút, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.    

Hà Nam

Chuyên mục khác