12/11/2020 06:03
P.V: Thưa ông, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiều mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh. Xin ông cho biết rõ hơn những kết quả đã đạt được?
Ông Nguyễn Lâm Cảnh: Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhiệm kỳ qua, LMHTX tỉnh đã phối hợp với các đoàn thể, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ phát triển HTX. Nhờ vậy, khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.
Về số lượng, nhiệm kỳ qua, việc thành lập mới HTX trên địa bàn tỉnh có sự khởi sắc. Từ năm 2014 đến năm 2020, toàn tỉnh thành lập được 115 HTX, nâng số HTX hiện có trên địa bàn tỉnh đến tháng 9/2020 lên 162 HTX, Liên hiệp HTX. Số lượng HTX thành lập mới tăng qua các năm, nhất là từ năm 2017 đến nay, mỗi năm thành lập mới được 25 HTX, riêng năm 2017 thành lập được 28 HTX, trong khi những năm trước đây mỗi năm chỉ thành lập được dưới 10 HTX, năm 2014 chỉ thành lập được 3 HTX.
Về chất lượng, các HTX đã thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và các HTX thành lập mới theo Luật HTX 2012 hoạt động ngày càng hiệu quả. Các HTX đã có sự hợp tác, liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; doanh thu và lợi nhuận của HTX ngày càng tăng. Hầu hết các HTX đã thực hiện tốt dịch vụ đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; chú trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên; tích cực thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
|
Các HTX đã phát huy được vai trò trợ giúp kinh tế hộ thành viên phát triển; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong quản lý và sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của các địa phương; mở mang các loại ngành nghề, tăng thu nhập cho hàng ngàn thành viên và người lao động, góp phần tăng hiệu quả sản xuất của kinh tế hộ thành viên, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Sự chuyển biến đó có nhiều nguyên nhân, nhưng có hai nhân tố tác động rất quan trọng. Thứ nhất là do nhu cầu hợp tác của người dân, người sản xuất nhỏ trong sản xuất, đời sống, trong cơ chế thị trường. Thứ hai là do sự tác động trực tiếp, nhiều mặt theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết TƯ 5(khóa IX) về kinh tế tập thể, Nghị quyết TƯ7(khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư về phát triển kinh tế tập thể.
P.V: Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh thời gian qua có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Lâm Cảnh: Thuận lợi dễ dàng nhận thấy chính là khu vực kinh tế tập thể đã được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đến nay, ở tỉnh và tất cả các huyện, thành phố đều đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể. Thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển HTX như chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, bồi dưỡng nguồn nhân lực; khuyến công, hỗ trợ HTX sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp…
Cùng với đó, nhiều HTX đã không ngừng nỗ lực, có hướng đi đúng, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đem lại lợi ích cho thành viên, người lao động, qua đó đã thu hút ngày càng đông đảo người dân tham gia HTX.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn chung từ tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh, nên hoạt động của kinh tế tập thể, HTX gặp nhiều khó khăn. Hầu hết HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, việc phát triển kinh tế tập thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS rất khó khăn. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình hiện nay. Vẫn còn một số HTX có tư tưởng trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; chưa thực hiện tốt việc huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong thành viên HTX.
|
PV: Xin ông cho biết một số định hướng phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Lâm Cảnh: Với phương châm “Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; đẩy mạnh xây dựng Liên minh HTX Kon Tum vững mạnh; thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên”, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện NQTW5 khóa IX về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Tiếp tục củng cố, đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của Liên minh HTX tỉnh nhằm làm tốt hơn nữa chức năng tham mưu và tham gia triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế tập thể; thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện, hỗ trợ phát triển HTX; là đầu tàu dẫn dắt HTX, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về kinh tế tập thể, khẳng định phát triển kinh tế tập thể, HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Việc thành lập HTX phải thực sự xuất phát từ nhu cầu liên kết sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của các thành viên.
Phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể, HTX phát triển bền vững. Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý các HTX.
Nâng cao năng suất lao động trong các HTX. Tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh của các HTX theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Thực hiện tốt việc huy động và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong thành viên HTX.
PV: Xin cảm ơn ông!
Văn Phương