16/01/2022 06:45
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 KCN, gồm KCN Hòa Bình (thành phố Kon Tum), KCN Sao Mai (thành phố Kon Tum); KCN Đăk Tô (huyện Đăk Tô) và KCN Bờ Y (thuộc Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y).
Được quan tâm đầu tư hoàn thiện và đồng bộ hạ tầng từ ngân sách (tổng vốn đầu tư 61,289 tỷ đồng), KCN Hòa Bình (quy mô 60ha) đang cho thấy vai trò “đầu tàu” khi đã được lấp đầy 100% diện tích với 37 dự án đầu tư (trong đó đang hoạt động 24 dự án), tổng vốn đăng ký 657,4 tỷ đồng, vốn thực hiện 383,1 tỷ đồng.
KCN Sao Mai (quy mô 150ha), dù đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng cũng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Bằng chứng là hiện có 3 dự án được cấp chứng nhận đầu tư tại KCN này, với tổng vốn đăng ký 680 tỷ đồng, sử dụng 44,19ha đất.
|
Trong khi đó, KCN Đăk Tô có quy mô 146,76ha, được bổ sung vào Quy hoạch phát triển Khu công nghiệp Việt Nam từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư hạ tầng do vướng mắc đến từ chủ đầu tư dự án (Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai).
Còn KCN Bờ Y (thuộc Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y) cũng chưa đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng, dù đã được lập quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết giai đoạn I. Lý do là địa hình tương đối phức tạp, độ dốc lớn, chia cắt nhiều, tỷ lệ đất sử dụng cho sản xuất công nghiệp thấp, không thuận lợi để thu hút đầu tư.
Về cụm công nghiệp, hiện toàn tỉnh đã thành lập và quy hoạch chi tiết 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích 467,725ha. Tổng vốn ngân sách đã đầu tư cho các cụm công nghiệp là 117,368 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, có 8 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân 65%; có 39 doanh nghiệp và 517 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp (tổng vốn đăng ký 565,93 tỷ đồng). Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp thu hút hơn 2.500 lao động; nộp ngân sách nhà nước 4,786 tỷ đồng.
Báo cáo của UBND tỉnh đánh giá, thời gian qua, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hỗ trợ thúc đẩy phát triển khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tăng thu ngân sách nhà nước; thu hút vốn đầu tư, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên địa bàn. Từ đó có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, thực trạng phát triển khu, cụm công nghiệp còn chậm so với mục tiêu đề ra; quá trình thực hiện quy hoạch, đầu tư và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập.
Đáng chú ý là công tác quy hoạch và thực hiện đầu tư thiếu tính ổn định và bền vững, ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư. Kết cấu hạ tầng chậm được đầu tư, chưa đồng bộ, hoàn chỉnh; thiếu quỹ đất sạch để giới thiệu, thu hút đầu tư.
|
Đa số dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp có quy mô nhỏ, chủ yếu là chế biến lâm sản với công nghệ sản xuất giản đơn; sản phẩm đa số là sơ chế, giá trị gia tăng thấp, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước; chưa thu hút được các dự án lớn, dự án đầu tư nước ngoài; hiệu quả sử dụng đất thấp.
Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh xác định, một trong những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 là tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 32-33%. Để hoàn thành chỉ tiêu này, vai trò của khu, cụm công nghiệp trong thu hút vốn đầu tư, giải quyết việc làm là đặc biệt quan trọng.
Theo Sở Công thương, để phát huy vai trò “đầu tàu” của các khu, cụm công nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, từ thực hiện quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đến tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước hết, cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong đó ngân sách nhà nước có ý nghĩa là “cú hích”, tạo xung lực ban đầu.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, từ đó tạo sự đột phá về kết cấu hạ tầng thông qua thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Để tăng sức hút đối với nhà đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, cần chủ động nguồn vốn từ ngân sách để lập quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để sắn sàng giao cho nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp.
Và đặc biệt, cần quan tâm triển khai quy hoạch, bố trí mạng lưới khu, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo hợp lý và đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư. Tập trung đầu tư có trọng điểm hạ tầng thiết yếu và mở rộng diện tích các khu, công nghiệp ở những nơi có hạ tầng đồng bộ, thuận lợi thu hút đầu tư gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tham gia vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Hồng Lam