Phát huy vai trò đầu tàu của công nghiệp chế biến

27/09/2017 13:12

Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực chủ lực, ngành mũi nhọn trong hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh. Vượt qua những khó khăn, ngành này đang có những bước đi vững chắc, phát huy tốt vai trò đầu tàu kéo công nghiệp cả tỉnh đi lên.

Thời gian trước, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đã gặp một số khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm; chịu những tác động chung trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn. Một số các mặt hàng như đồ gỗ chế biến, tinh bột sắn, cao su đều bị mất giá, thị trường tiêu thụ hạn chế; hàng tồn kho nhiều...

Ngành sản xuất chế biến tinh bột sắn có những bước khởi sắc. Ảnh: T.H

 

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự đồng hành của ngành Công thương, sự hỗ trợ của tỉnh, những khó khăn từng bước được khắc phục. Hơn 2 năm trở lại đây, ngành công nghiệp chế biến đã có những bước khởi sắc đáng kể; phát huy tốt vai trò là ngành chủ lực, đầu tàu đưa công nghiệp toàn tỉnh đi lên.

Năm 2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt khoảng 4.150 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2014; trong đó, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt khoảng 3.005 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 72,4% trong tổng giá trị của toàn ngành.

Năm 2016, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 4.650 tỷ đồng, tăng 11,8%, trong đó ngành công nghiệp chế biến đạt 3.310 tỷ đồng, chiếm gần 71,2%.

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 tăng 21,08% so cùng kỳ năm trước; riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,51%.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành nghề đang dần phục hồi như chế biến tinh bột sắn, mủ cao su. Ước tính, trong 6 tháng đầu năm, tinh bột sắn sản xuất được khoảng 107.962 tấn, tăng 1,14% so cùng kỳ năm trước; lượng đường sản xuất 18.291 tấn, tăng 30,32% so cùng kỳ năm trước...

Trong lĩnh vực chế biến, hoạt động sản xuất tinh bột sắn có vị trí quan trọng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 nhà máy chế biến tinh bột sắn đã đi vào hoạt động, tổng công suất thiết kế trên 900 tấn tinh bột/ngày. Trong thời gian qua, mặc dù thị trường tiêu thụ sản phẩm có những khó khăn nhất định, nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế lượng hàng tồn kho và mở rộng được sản xuất... Sản xuất Cồn Ethanol cũng dần ổn định với sản lượng ước đạt 47.000 tấn (đạt 95% công suất) góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển.  

Đối với ngành nghề khai thác, chế biến mủ cao su, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 6 nhà máy lớn, chủ yếu là chế biến dưới dạng mủ tờ, mủ cốm dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sâu, công suất thực tế ước đạt 43.800 tấn/năm. Những năm trước, do giá cả liên tục tuột dốc, việc xuất khẩu hàng hoá sang thị trường truyền thống là Trung Quốc bị hạn chế, khiến ngành này gặp nhiều khó khăn. Từ cuối năm 2016 đến nay, giá mủ cao su trên thị trường đã dần nhích lên, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nghề này đã thuận lợi hơn.

Ngoài tinh bột sắn và chế biến mủ cao su, ngành chế biến cà phê cũng có những bước tiến mới do các doanh nghiệp đã chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, không còn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc như trước mà đã chuyển sang một số thị trường mới như Singapore, Hàn Quốc, Thuỵ Điển, Mêhicô. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tiếp tục củng cố chỗ đứng trong thị trường nội địa nên đã đảm bảo mức đầu ra ổn định và giá cả sản phẩm. Riêng năm 2016, sản lượng cà phê ước đạt 37.147 tấn, tăng gần 3,5% so với năm 2015.

Công nghiệp chế biến có những bước phát triển vững chắc. Ảnh: T.H

 

Ngành nghề chế biến đường cũng có những bước tiến vượt bậc trong 2 năm gần đây. Với công suất từ 1.800 tấn/ngày và hiện Công ty CP Đường Kon Tum đang triển khai công suất lên 2.200 tấn/ngày, ngành mía đường có những đóng góp tích cực trong sự phát triển chung của ngành công nghiệp chế biến. Năm 2016, sản lượng đường sản xuất được là 28.687 tấn, tăng 20,2% so với năm 2015; 6 tháng đầu năm nay, sản lượng đường sản xuất được là 18.291 tấn, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước và đặc biệt gần như không còn tình trạng hàng tồn kho.

Những ngành nghề sản xuất rượu công nghiệp; sản xuất, kinh doanh hàng may mặc tuy không được xếp vào hàng chủ lực nhưng trong những năm qua, với sự tăng trưởng ổn định đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp chế biến...

Theo dự báo của ngành Công thương, hiện tại, lĩnh vực công nghiệp chế biến vẫn còn những khó khăn nhất định do thị trường tiêu thụ ngày càng khắt khe hơn; phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp lớn ở trong nước. Tuy nhiên, những kết quả đã gặt hái được trong thời gian qua sẽ là tiền đề, động lực để các doanh nghiệp vượt lên khó khăn, tiếp tục đưa công nghiệp chế biến phát triển.

Thuỳ Hương 

Chuyên mục khác