Phát huy vai trò chủ lực của công nghiệp, thương mại trong nền kinh tế

09/02/2023 13:26

Cùng với sự phát triển của tỉnh, sản xuất công nghiệp, thương mại của tỉnh ta không ngừng lớn mạnh. Lĩnh vực này ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Phát triển công nghiệp, thương mại là hướng đi luôn được tỉnh ta chú trọng thực hiện, nhằm đảm bảo mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ta cũng đề ra nhiều giải pháp, chương trình đưa công nghiệp, thương mại phát triển như: Quảng bá tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư; xây dựng và hoàn thiện quy hoạch về phát triển công nghiệp, thương mại; xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; triển khai các chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Từ đó, lĩnh vực này có những bước phát triển đáng khích lệ, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, đóng góp tích cực vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1991) đến nay.

Trước hết, về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, từ chỗ chỉ có một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ bé, sản xuất manh mún, sản phẩm ít, chất lượng thấp với tổng sản phẩm công nghiệp chỉ đạt 7,6 tỷ đồng ở thời điểm mới chia tách, đến năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đã tăng lên 8.246 tỷ đồng.

Sản xuất công nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh, mạnh trong những năm vừa qua. Ảnh: T.H

 

Hiện tại, toàn tỉnh có 3 khu công nghiệp có trong quy hoạch Khu công nghiệp Việt Nam, trong đó, Khu công nghiệp Hòa Bình và Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã có dự án đang hoạt động. 14 cụm công nghiệp được thành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích là 505,325 ha, tổng vốn đã đầu tư xây dựng hạ tầng gần 117,37 tỷ đồng; trong đó có 8 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút được 41 doanh nghiệp, 426 cơ sở sản xuất.

Trong định hướng phát triển sản xuất công nghiệp, tỉnh ta xác định rõ các ngành nghề trọng điểm, có ưu thế để tập trung đầu tư như công nghiệp chế biến, sản xuất và phân phối điện. Qua đó, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, nội lực của tỉnh.

Theo đó, về công nghiệp chế biến, hiện, trên địa bàn tỉnh có 8 cơ sở chế biến tinh bột mì với tổng công suất thiết kế đạt 1.430 tấn/ngày; 1 doanh nghiệp sản xuất chế biến đường với công suất thiết kế khoảng 2.500 tấn/ngày; 11 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất đạt trên 60.000 tấn/năm;10 cơ sở thu mua và chế biến cà phê nhân, 27 cơ sở chế biến cà phê bột sản xuất được khoảng 120 tấn bột/năm, 3 cơ sở vừa chế biến cà phê bột vừa chế biến cà phê hòa tan.

Đối với sản xuất và phân phối điện, toàn tỉnh có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 874,8MW; trong đó, có 28 công trình thủy điện vừa và nhỏ đang vận hành và 2 công trình thủy điện lớn là Thượng Kon Tum và Plei Krông với sản lượng điện ước đạt khoảng 2,8 tỷ kWh/năm; 13 dự án thực hiện báo cáo khởi công xây dựng có tổng công suất 201,7 MW; 36 dự án đang lập dự án đầu tư xây dựng có tổng công suất 324,2 MW. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2 Dự án điện mặt trời có trong Quy hoạch phát triển điện lực; 2 Dự án điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất 153,5 MW, 19 Dự án điện gió tổng công suất 1.413,1 MW đã hoàn thành công tác lập hồ sơ bổ sung quy hoạch...

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, khôi phục các nghề truyền thống, phát triển cơ khí sửa chữa sản xuất vật liệu xây dựng. Ngành công nghiệp ngày càng cho thấy vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 2022, tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng chiếm 30,78% trong GRDP của tỉnh.

Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp; thương mại, dịch vụ cũng có bước phát vững chắc, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Công thương, trước đây, hệ thống hạ tầng thương mại rất yếu kém, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này. Song, với những nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân cùng với những chủ trương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đã từng bước đưa thương mại, dịch vụ của tỉnh vượt qua khó khăn, tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây.

Đến nay, mạng lưới kinh doanh thương mại của tỉnh phát triển đa dạng với 27 chợ dân sinh (trong đó có 4 chợ hạng II, 23 chợ hạng III, chợ tạm); 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị tổng hợp và nhiều siêu thị chuyên ngành. Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ cũng phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận các thôn, làng vùng sâu, vùng xa. Mạng lưới thương mại đã  đảm nhiệm tốt chức năng là trung gian kinh tế, tạo điều kiện giao lưu, trao đổi hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ; góp phần quan trọng trong việc giải quyết đầu ra cho các ngành sản xuất.

Xuất khẩu hàng hóa có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh: TH

 

Cùng với thương mại, ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch có những bước chuyển biến và phát triển rõ nét. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện với 153 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 2.183 phòng hiện có.

Nhờ đó, trong khoảng 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng bình quân của lĩnh vực thương mại- dịch vụ đạt khoảng 20,62 %. Quy mô không ngừng lớn mạnh,  nếu như năm 2000, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên thị trường toàn tỉnh mới chỉ đạt 425,57 tỷ đồng thì đến năm 2022 ước đạt 30.989,27 tỷ đồng

Với sự chủ động của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cùng với sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng, xuất khẩu hàng hóa cũng có bước phát triển đáng kể, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh  đạt 320,8 triệu USD, tăng hơn 47 lần so với 20 năm trước. Thương mại qua biên giới, kinh tế cửa khẩu có bước phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh

Có thể khẳng định rằng sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp, thương mại đã thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đúng hướng (tăng dần về tỷ trọng công nghiệp- thương mại, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp). Đồng thời, sự phát triển của công nghiệp, thương mại còn tạo thêm việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân.

Với những thành tựu đã đạt được, tỉnh ta tự tin đặt ra những mục tiêu cao hơn trong những năm tới. Đó là phát triển công nghiệp với tốc độ cao, bền vững, thân thiện với môi trường và hỗ trợ tối đa cho các ngành nông nghiệp và dịch vụ phát triển, đưa nền kinh tế tỉnh Kon Tum lên một bước phát triển mới. Đồng thời, xây dựng và phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, thu hút lao động và tạo ra nhiều việc làm. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng khu vực công nghiệp- xây dựng công nghiệp- xây dựng chiếm khoảng 32-33%, thương mại-dịch vụ chiếm khoảng 42-43% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.  

Thiên Hương

Chuyên mục khác