17/02/2017 08:02
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, việc phát huy sức dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà rông văn hóa, thực hiện các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học vào sản xuất, bảo vệ môi trường… góp phần quan trọng trong việc thực hiện nông thôn mới ở địa phương.
|
Đến các thôn làng nào, chúng tôi cũng thấy dấu ấn từ việc xây dựng nông thôn mới đem lại. Nhìn tuyến đường bê tông từ làng ra khu sản xuất, A Bây, thôn Kon Chôn, xã Ngọc Wang (Đăk Hà) khoe: Tuyến đường này do Nhà nước đầu tư vốn, người dân trong làng góp công xây dựng. Từ ngày có đường bê tông, việc đi lại và vận chuyển nông sản thuận lợi. Mùa thu hoạch cà phê, mỳ, xe ô tô của các doanh nghiệp và tư thương đến tận rẫy để thu mua. Có đường bê tông, sản xuất nông nghiệp phát triển, cuộc sống người dân không còn vất vả như xưa.
Ở các xã Đăk Ui, Đăk Ngọk (Đăk Hà), Đăk Ang, Đăk Kan (Ngọc Hồi), Đăk Môn, Đăk Man (Đăk Glei), Đăk Năng, Vinh Quang (thành phố Kon Tum)…, các cấp chính quyền, các cơ quan khuyến nông, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện và hỗ trợ người dân xây dựng các tổ hợp tác, triển khai các mô hình trồng cà phê an toàn, cà phê xứ lạnh, cao su tiểu điền, nuôi heo hướng nạc theo hình thức trang trại, gia trại, nuôi bò, cá thương phẩm… góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế gia đình và giảm nghèo ở địa phương.
Tại thôn Đông Nây, xã Đăk Man (Đăk Glei), tôi gặp A Mời trồng cà phê xứ lạnh. Phấn khởi trước việc thực hiện mô hình cà phê xứ lạnh, A Mời cho biết nhờ thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh, gia đình ông cũng như nhiều hộ tham gia mô hình có thu nhập hàng chục triệu đồng từ cà phê. Cây cà phê xứ lạnh giúp cho nhiều hộ thoát nghèo và xây dựng cuộc sống khá giả hơn.
Đối với các xã vùng ven ở thành phố Kon Tum đất chật, người đông, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm trường là một việc không dễ. Theo ông Nguyễn Đình Nhiên - Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, phát huy sức dân chung tay xây dựng nông thôn mới, ngoài việc vận động nhân dân thực hiện giãn dân, tách hộ lập vườn, xã còn vận động người dân làm chuồng nhốt gia súc, xử lý chất thải chăn nuôi heo theo hình thức xây dựng hệ thống biogas và đóng góp tiền thuê xe chở rác thải sinh hoạt hàng ngày. Bằng các việc làm này, các thôn, làng ở địa phương ngày càng sạch đẹp, không còn ô nhiễm như xưa.
Phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới cùng với việc thực hiện có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tính đến nay, toàn tỉnh có 13 xã đạt 19/19 tiêu chí (trong đó 9 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới), 2 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 20 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 44 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và chỉ còn 7 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 9,55 tiêu chí, tăng 0,85 tiêu chí.
Tiếp tục phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới, trong những ngày đầu năm mới này, nhiều địa phương trong tỉnh vận động nhân dân ra quân xây dựng nông thôn mới. Ban chỉ đạo nông thôn mới tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2017, toàn tỉnh có ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 12 tiêu chí nông thôn mới và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới.
|
Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tăng cường huy động các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn và phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống người dân (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi ...).
Đối với các xã đạt nông thôn mới, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh yêu cầu các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới; coi trọng tổ chức sản xuất, phát triển ngành nghề, nâng cao năng lực sản xuất, thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường sống xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh trật tự ngày càng tốt hơn… để nông thôn mới phát triển bền vững.
Đào Nguyên