Phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP

17/05/2024 13:04

Toàn tỉnh hiện có 236 sản phẩm OCOP còn hiệu lực. Sản phẩm OCOP không chỉ giúp cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn mà mỗi sản phẩm gắn với những câu chuyện riêng về văn hóa, truyền thống của mỗi vùng đất, cộng đồng, như một “sứ giả” góp phần quảng bá, lan tỏa những giá trị đặc trưng ấy đến với cộng đồng, thị trường.

Những năm qua, Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, tạo sức bật cho các địa phương trong phát triển kinh tế nông thôn. Một trong những thành công quan trọng của Chương trình là đã tạo được sinh kế cho người dân, nhất là những vùng sâu, vùng xa, đồng thời, giúp bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng, đặc sắc của từng địa phương.

Thịt heo gác bếp là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hợp tác xã Dục Nông (huyện Ngọc Hồi). Đây vốn là món ăn dân dã của đồng bào Gié - Triêng, nhưng các thành viên của hợp tác xã đã sáng tạo, nâng tầm, chuẩn hóa  quy trình chăn nuôi, chế biến, đóng gói để trở thành sản phẩm OCOP. Với nguồn thịt chất lượng do người dân chăn nuôi bằng phương pháp hữu cơ, phương thức chế biến theo kiểu truyền thống cùng câu chuyện sản phẩm mang đậm nét văn hóa, tập quán của đồng bào DTTS đã tạo nên sự độc đáo, sức hấp dẫn của sản phẩm với người tiêu dùng. Từ đó, sản phẩm ngày càng được ưa chuộng, góp phần  gia tăng thu nhập cho người dân cũng như tạo điều kiện để gìn giữ, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương nơi đây đến với nhiều nơi.

Mỗi sản phẩm OCOP chuyển tải một câu chuyện về văn hóa, nét đặc trưng của từng vùng. Ảnh: T.H

 

Tương tự tại xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà), được thiên nhiên ưu đãi với nguồn măng le dồi dào, được đánh giá là ngon, giòn hơn so với nhiều nơi. Tuy nhiên, trước đây, người dân chủ yếu lấy măng trong rừng về phơi khô tự nhiên để sử dụng trong gia đình hoặc làm quà biếu, tặng cho bà con, anh em. Từ khi, địa phương triển khai xây dựng và phát triển măng le là sản phẩm đặc trưng, Hợp tác xã Dịch vụ Bách Thắng đã liên kết với người dân trong xã tổ chức khai thác, chế biến, bảo quản đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn mác, quảng bá thương hiệu. Đến nay, sản phẩm Măng le Đăk Pxi đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường và được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Có thể thấy, mỗi địa phương, vùng miền đều có những sản phẩm mang đặc trưng, chứa đựng nét văn hóa riêng biệt. Khi người dân tham gia làm sản phẩm OCOP đã khai thác, chuẩn hóa tạo nên hồn cốt, đưa các giá trị truyền thống trong sản phẩm lan tỏa rộng rãi.

Đơn cử như sản phẩm rượu cần Y Thơi, từ những nguyên liệu dân giã như mì gòn, nếp than, men cây rừng, với phương thức làm rượu truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, qua đôi bàn tay khéo léo của chị Y Thơi cùng các thành viên trong tổ hợp tác làng Kon Lung (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy) đã phát triển loại thức uống truyền thống này thành sản phẩm OCOP. Hiện nay, rượu cần Y Thơi không chỉ được sử dụng phục vụ nhu cầu của cộng đồng làng mà trở thành hàng hóa tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Từ đó, tạo động lực để người dân dân giữ gìn nghề truyền thống, lan tỏa những nét văn hóa về ẩm thực của đồng bào Xơ Đăng.

Mỗi sản phẩm OCOP chuyển tải một câu chuyện về văn hóa, nét đặc trưng của từng vùng. Ảnh: TH


Để đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng gắn với bảo tồn các nét văn hóa, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực lựa chọn, hỗ trợ người dân khai thác, phát triển sản phẩm có thế mạnh, trở thành “sứ giả” góp phần quảng bá văn hóa của từng vùng.

Tiêu biểu như huyện Kon Plông, dựa trên lợi thế về vùng nguyên liệu dồi dào được thiên nhiên ban tặng gắn với tập quán sản xuất của đồng bào DTTS, địa phương đã vận động, hỗ trợ người dân, các chủ thể xây dựng khai thác, phát triển các sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện có 64 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có nhiều sản phẩm rất đặc trưng khá nổi tiếng như nước ép sim rừng, nước cốt trái sim rừng, tinh dầu tiêu rừng, cà phê Măng Đen, thịt trâu hun khói. Những sản phẩm vừa mang đậm hương vị núi rừng, vừa chứa đựng những nét đặc trưng về văn hóa, nhưng lại có sự mới mẻ, sáng tạo về mẫu mã, quy cách đóng gói, quảng bá đã góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Có thể thấy, những tác động đến cộng đồng khi thực hiện chương trình OCOP không chỉ dừng lại ở sự hữu hình như tạo việc làm, nâng cao thu nhập mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng, người tiêu dùng trên thị trường thông qua từng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Vì vậy, trong kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng sản phẩm OCOP để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững cũng là nhiệm vụ được chú trọng. 

Thiên Hương

Chuyên mục khác